Chính trường Nhật Bản “dậy sóng” về kế hoạch hoãn tăng thuế tiêu dùng

17:02' - 06/06/2016
BNEWS Thông báo hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng đến tháng 10/2019 của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã làm dấy lên nhiều ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình Abenomics.
Chính trường Nhật Bản “dậy sóng” trước kế hoạch hoãn tăng thuế tiêu dùng của Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: rappler.com

Thông báo trên dấy lên nhiều ý kiến hoài nghi về tính hiệu quả của chương trình thúc đẩy kinh tế “Abenomics” của ông và các đảng đối lập thậm chí kêu gọi nội các của ông Abe từ chức vì không thực hiện được cam kết.

Đài Bắc Kinh đưa tin bốn đảng đối lập đã liên danh đệ trình đề án bất tín nhiệm đối với chính phủ lên Hạ viện. Các đại diện những đảng đối lập với đảng Dân chủ tự do của ông Abe tuyên bố việc ông Abe một lần nữa hoãn tăng thuế tiêu dùng chẳng khác nào thừa nhận chương trình chấn hưng kinh tế Abenomics đã “phá sản”, và vì vậy Nội các của ông Abe cần phải từ chức.

Thủ tướng Nhật Bản Abe trước đó cho biết ông dự định trì hoãn tăng thuế tiêu dùng thêm khoảng hai năm rưỡi nữa, tức là đến tháng 10/2019, giữa bối cảnh nền kinh tế “xứ hoa anh đào” còn nhiều yếu kém và nước này đang chuẩn bị hướng tới cuộc bầu cử Thượng viện vào tháng Bảy tới.

Kế hoạch trên đã được Thủ tướng Abe đề cập đến trong một buổi họp báo tổ chức ngày 27/5, sau khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh Nhóm bảy nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại Mie, trong đó có nhấn mạnh đến những rủi ro mà kinh tế toàn cầu hiện đang phải đối mặt.

Lý giải về nguyên nhân dẫn đến động thái này của ông Abe, có ý kiến cho rằng trì hoãn việc tăng thuế tiêu dùng sẽ giúp ông tránh được những rủi ro có thể xảy đến trong cuộc bầu cử Thượng viện dự kiến diễn ra vào tháng Bảy năm nay. Nếu được thông qua đây sẽ là lần trì hoãn tăng thuế tiêu dùng thứ hai của Thủ tướng Abe, sau khi Tokyo tiến hành nâng mức thuế này thêm 3 điểm phần trăm lên 8% hồi tháng 4/2014.

Chính phủ của Thủ tướng Abe hoãn tăng thuế tiêu dùng. Ảnh: straitstimes.com

Trên thực tế “Abenomics” đã thực thi được hơn ba năm rưỡi, nhìn vào số liệu tổng thể nền kinh tế Nhật Bản đã thể hiện sự hồi phục nhất định (tỷ lệ tăng trưởng GDP trên danh nghĩa lần lượt là 1,8% vào năm 2013, 1,5% vào năm 2014, 2,2% vào năm 2015 và 0,5% của 3 tháng đầu năm 2016).

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vẫn còn nhiều mặt trì trệ dù các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ đã được thực hiện nhằm đẩy lùi giảm phát, khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng còn yếu.

Lâu nay, Chính phủ Nhật Bản luôn duy trì thâm hụt ngân sách khổng lồ, để giảm nợ công và chi trả cho chi phí phúc lợi xã hội thặng dư ngân sách thì việc tăng thuế tiêu dùng là điều cần thiết.

Tuy nhiên, trong mấy năm qua, các chính sách kinh tế của chính phủ chưa có hiệu quả rõ rệt, và khi đối mặt với vật giá tăng cao, người dân lại mong có thể giảm bớt các loại thuế.

Số liệu mới nhất cho thấy kinh tế Nhật Bản đã tránh đư ợc suy thoái kinh tế trong quý I/2016 khi tăng trưởng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,4% so với quý trước đó.

Nhận định về triển vọng của nền kinh tế Nhật Bản, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 0,5% năm 2016 và -0,1% năm 2017 nếu việc tăng thuế tiêu dùng diễn ra như kế hoạch, bên cạnh các vấn đề dân số lão hóa và nợ công lớn.

Cũng theo IMF, xuất khẩu của Nhật Bản sẽ chịu tác động của việc đồng yen mạnh, khi đồng tiền này đang ở mức cao nhất trong 18 tháng so với đồng USD, và trao đổi thương mại với Trung Quốc giảm sút./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục