Nhật Bản hoãn tăng thuế tiêu dùng

18:58' - 01/06/2016
BNEWS Tại cuộc họp của đảng Dân chủ Tự do ngày 1/6, Thủ tướng Nhật Bản thông báo sẽ hoãn tăng thuế tiêu dùng thêm hai năm rưỡi nữa, tạm gác lại hoạch cải cách tài chính trong bối cảnh nền kinh tế yếu hơn.
Thủ tướng Nhật Bản loan báo quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng. Ảnh: TTXVN

Lý giải cho quyết định hoãn tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% đến tháng 10/2019 thay vì vào tháng 4/2017 như kế hoạch trước đó, ông Shinzo Abe nói ông muốn thể hiện trách nhiệm của mình bằng việc đẩy nhanh hơn nữa chính sách phục hồi nền kinh tế được gọi là "Abenomics".

Đây là lần thứ hai Thủ tướng Nhật Bản hoãn tăng thuế tiêu dùng lên 10%, sau lần tăng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014 - điều đã khiến nền kinh tế rơi trở lại vào suy thoái. Năm ngoái, Nhật Bản đã quyết định hoãn tăng thuế lần hai từ tháng 10/2015 theo kế hoạch ban đầu và dời đến tháng 4/2017.

Quyết định trên thổi bùng những nghi ngờ về kế hoạch của ông Abe nhằm kiềm chế khối nợ công lớn của Nhật Bản, quốc gia có tỷ lệ nợ/GDP lớn nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Dư luận cũng hoài nghi về ngân sách cho các chương trình an sinh xã hội đang ngày một tăng đất nước này.

Các quan chức trong Chính phủ Nhật Bản nói rằng ông Abe không từ bỏ cam kết đưa ngân sách cơ bản về tình trạng thặng dư vào tài khóa 2020 (bắt đầu từ tháng 4/2020) để kiềm chế nợ công, hiện ở mức tương đương trên 200% GDP.

Tuy nhiên, việc đạt được mục tiêu này đã trở nên khó khăn, ngay cả khi Chính phủ Nhật Bản lạc quan dự báo kinh tế đạt mức tăng trưởng trung bình 2% trong những năm tới.

Bên cạnh đó, các nhà phân tích cho rằng quyết định hoãn tăng thuế cho thấy sự thất bại của "Abenomics". Lên nắm quyền vào tháng 12/2012, ông Abe cam kết đẩy lùi giảm phát và làm hồi sinh nền kinh tế bằng "Abenomics", nhưng đã không đạt được nhiều tiến triển khi nhu cầu trong nước và nước ngoài thấp.

Nhật Bản tránh được suy thoái kinh tế trong quý I với mức tăng trưởng 0,4%. Tuy nhiên có những mối lo ngại rằng một lần tăng thuế tiêu dùng nữa sẽ đánh vào chi tiêu tiêu dùng và gây tổn hại cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.

Nhiều nhà kinh tế có chung quan điểm là số liệu kinh tế của Nhật Bản yếu một cách đáng thất vọng. Lợi nhuận của doanh nghiệp trong quý I/2016 đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong hơn bốn năm và điều này sẽ khiến các doanh nghiệp thận trọng hơn với các kế hoạch đầu tư vào tư liệu sản xuất trong tương lai.

Bên cạnh đó, số liệu sau khi điều chỉnh được công bố ngày 1/6 đã cho thấy hoạt động chế tạo trong tháng Năm giảm mạnh nhất trong hơn ba năm khi đơn đặt hàng mới giảm. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục