Chống buôn lậu thuốc lá: Cầm dùi gõ vào trống thủng

13:28' - 18/02/2016
BNEWS Trung bình mỗi năm số vụ bắt giữ và tiêu hủy thuốc lá lậu chỉ mới chiếm hơn 1% lượng thuốc lá nhập lậu. Thậm chí ở nhiều địa phương, các giải pháp chống thuốc lá lậu vẫn chỉ nằm trên giấy.

Điều này không chỉ gây tổn thất cho thu ngân sách nhà nước khoảng 10.000 tỷ đồng mỗi năm mà thuốc lá lậu còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng.

Những con số này cho thấy mọi nỗ lực của các ngành chức năng vẫn như cầm dùi đánh vào cái trống thủng. BNEWS đã phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương. Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

BNEWS: Phía cơ quan chức năng đã có nhiều biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn, triệt phá thuốc lá lậu. Tuy nhiên vấn nạn thuốc lá lậu vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Xin ông cho biết, các chế tài xử phạt chưa đủ mạnh hay còn lý do nào khác?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Một số nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc các đối tượng buôn lậu bất chấp sự truy bắt của các lực lượng chức năng vẫn đưa thuốc lá lậu vào thị trường, đó là lợi nhuận cực lớn do buôn lậu thuốc lá mang lại, vì trốn thuế. Bên cạnh đó nhu cầu tiêu dùng của một bộ phận người dân đối với thuốc lá điếu nhập lậu (chủ yếu thuốc lá Jet, Hero) còn cao do phù hợp về giá và thị hiếu.

Tình trạng thiếu việc làm cũng là một trong những yếu tố quan trọng khiến dân cư khu vực biên giới tham gia vận chuyển hàng lậu. Phần lớn họ đều nghèo và thiếu phương kế mưu sinh.

Bên cạnh đó các nhà sản xuất thuốc lá trong nước chưa đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng, nên phát sinh buôn lậu thuốc lá là điều khó tránh khỏi.

Trên thực tế chế tài của chúng ta hoàn toàn đủ sức răn đe. Cụ thể: Theo quy định tại khoản 22, Điều 1, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi Điều 25 thì đối với hành vi buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu có số lượng từ 500 bao trở lên thì người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải chuyển ngay hồ sơ vụ vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự để truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng có quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì phạt tiền từ 70 triệu đồng đến 100 triệu đồng.

Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp 2 lần mức tiền phạt quy định đối với cá nhân.

Ngoài ra, hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm về kinh doanh hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu bị tịch thu tang vật vi phạm; Tịch thu phương tiện vận tải được sử dụng để vận chuyển hàng cấm là thuốc lá điếu nhập lậu trong trường hợp tang vật có số lượng từ 500 bao trở lên hoặc vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh thuốc lá từ 12 tháng đến 24 tháng trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

Chống buôn lậu thuốc lá vẫn như cầm dùi gõ vào trống thủng. Ảnh: Lê Huy Hải-TTXVN

BNEWS: Một trong những biện pháp trong công tác chống buôn lậu thuốc lá đó là xây dựng kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm để người dân khu vực biên giới ổn định cuộc sống, không tham gia buôn lậu. Vậy công tác này đã được thực hiện thế nào và cần có hỗ trợ gì từ Chính phủ và địa phương, thưa ông?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Trong các báo cáo về công tác Chống buôn lậu thuốc lá gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương biên giới xây dựng đề án, kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế, các chính sách phát triển phù hợp với đặc điểm cư dân biên giới, vùng dân tộc, tôn giáo cho các địa bàn biên giới. Cùng đó, đầu tư phát triển các ngành nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ theo đặc điểm của từng địa bàn; hỗ trợ vốn, kiến thức cho người dân tham gia sản xuất, tăng thu nhập. Đồng thời tăng cường nhận thức pháp luật nhằm tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người dân khu vực biên giới, địa bàn trọng điểm về tình hình vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu giúp họ có cuộc sống ổn định, không tham gia buôn lậu thuốc lá nhập lậu.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương vận dụng các chính sách, quy định hiện hành để xây dựng cơ chế, ban hành chương trình hỗ trợ các xã biên giới phát triển kinh tế, người dân biên giới thoát nghèo như đào tạo nghề, tạo việc làm, được vay vốn ưu đãi, từ bỏ việc tham gia vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu. Mặt khác, có cơ chế khuyến khích, động viên các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia, phát hiện, bắt giữ và xử lý thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

BNEWS: Hoạt động buôn lậu thuốc lá diễn biến phức tạp, rất khó kiểm soát. Vậy Bộ Công Thương đã có những giải pháp nào nhằm hạn chế tình trạng này?

Ông Nguyễn Trọng Tín: Trong thời gian tới để hạn chế tình trạng này, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp đó là: Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá và Chỉ thị số 04/CT-BCT của Bộ trưởng Công Thương về việc tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Công Thương, xác định thuốc lá là mặt hàng trọng điểm của công tác kiểm tra, kiểm soát chống buôn lậu, buôn bán, vận chuyển kinh doanh hàng nhập lậu các tháng cao điểm và các năm tiếp theo.

Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các điểm kinh doanh thuốc lá, các dịch vụ có kinh doanh thuốc lá như: Nhà hàng, quán ăn uống, bar, vũ trường...để kịp thời phát hiện, nhằm phát hiện, xóa bỏ các tụ điểm tàng trữ, buôn bán thuốc lá nhập lậu và xử lý nghiêm hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá nhập lậu. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với lực lượng Công an rà soát, kiểm tra các tụ điểm, đầu nậu buôn bán, tàng trữ thuốc lá điếu ngoại nhập lậu nhằm ngăn chặn có hiệu quả tình trạng buôn lậu, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu ngoại nhập lậu.

Ngoài ra, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về nguy hại và công tác phòng chống buôn lậu thuốc lá điếu để mọi người dân không tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.

BNEWS: Cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục