Chuyên gia: Chủ nghĩa đơn phương không phải công thức thành công của Mỹ

05:30' - 03/11/2017
BNEWS Viện Brookings mới đây đăng bài phân tích của bà Mireya Solís, chuyên gia về thương mại quốc tế và Đông Á thuộc viện nghiên cứu này, về chính sách thương mại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh THX/TTXVN

Theo bài viết, sự mở màn cho chính sách thương mại "nước Mỹ trên hết" của chính quyền Donald Trump chính là việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - một động thái mà nhiều người cho rằng sẽ làm “chết yểu” thỏa thuận thương mại này. 

Trong khi từ chối một thỏa thuận đa phương như TPP, Tổng thống Trump đã đưa ra những lợi ích có được từ hợp tác thương mại song phương - những thỏa thuận mà Mỹ có thể sử dụng ảnh hưởng và sức mạnh của họ để giành kết quả thuận lợi nhanh chóng trên bàn đàm phán. 

Nhưng trên thực tế, TPP vẫn tiếp tục tồn tại và không hề có viễn cảnh nào về một loạt các thỏa thuận song phương của Mỹ sẽ sớm được hiện thực hóa.

Động cơ từ các chính sách thương mại của chính quyền Trump không phải là sự phủ nhận chủ nghĩa đa phương, ủng hộ chủ nghĩa song phương mà là xu hướng theo đuổi chủ nghĩa đơn phương. 

Chúng nhằm đảm bảo Mỹ hưởng lợi từ việc áp thuế đối với một số mặt hàng cụ thể, thay đổi điều khoản của các thỏa thuận thương mại đang tồn tại và làm yếu đi cơ chế dàn xếp xung đột ở cấp độ khu vực hay toàn cầu - những cơ chế có thể ngăn cản chủ trương bảo hộ của Mỹ. 

Điều này thể hiện rõ ràng qua những diễn biến về chính sách thương mại trong 9 tháng đầu nhiệm kỳ của ông Trump.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã có một sự dựa dẫm nặng nề vào luật thương mại Mỹ để cho phép cơ quan hành pháp có thể hạn chế hàng nhập khẩu.  

Cụ thể là việc đẩy mạnh điều tra chống bán phá giá, khôi phục Điều 301 theo đó Mỹ có quyền trừng phạt những hoạt động thương mại mà Mỹ cho là không công bằng và Điều 232 - viện vào những điều cơ sở về an ninh quốc gia để hạn chế nhập khẩu, đặc biệt là thép và nhôm.

Bên cạnh đó, nước này yêu cầu tái đàm phán thương mại nhằm giảm bớt sự chỉ trích về pháp lý đối với hành vi của Mỹ. Ví dụ như xóa bỏ Điều 19 trong Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), trong đó các nước thành viên có thể thành lập một bồi thẩm đoàn để xem xét các hoạt động chống bán phá giá. 

Mỹ cũng có những hoạt động làm suy yếu hệ thống dàn xếp xung đột của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thông qua bổ nhiệm những thành viên mới của cơ quan phúc thẩm cho đến khi một số cải cách được thực hiện. Khơi mào sự trả đũa ăn miếng trả miếng hay làm suy yếu WTO chính là mối đe dọa rõ ràng và hiện hữu của chủ nghĩa đơn phương.

Chính quyền Trump đang xem xét lại các thỏa thuận bằng việc tái đàm phán NAFTA và điều chỉnh Hiệp định tự do thương mại (FTA) song phương Mỹ - Hàn. Sự phối hợp mang tính xây dựng với các đối tác nhằm hiện đại hóa các thỏa thuận thương mại là nỗ lực đáng giá nhưng nước này lại đang khiến cho việc tái đàm phán các thỏa thuận thương mại trở nên ngày càng khó khăn. 

Nguyên nhân chính bởi Mỹ coi việc xóa bỏ tình trạng thâm hụt thương mại song phương như là mục tiêu trọng tâm trong các cuộc đàm phán, mặc dù cân bằng thương mại phản ánh những yếu tố kinh tế vĩ mô và không phải là chỉ số về sự phát triển của nền kinh tế Mỹ.

Kiểu đàm phán sai lầm này được thể hiện trong quá trình tái đàm phán NAFTA. Phía Mỹ yêu cầu xem xét một điều khoản về việc dần xóa bỏ NAFTA trong 5 năm nếu như cả ba nước thành viên không đổi mới hiệp định, hoặc một điều khoản khác yêu cầu nâng tỷ lệ nội địa hóa khu vực đối với ngành công nghiệp ô tô từ 62,5% hiện nay lên 85% và trong đó 50% là tỷ lệ nội địa Mỹ, mặc dù mục tiêu của NAFTA là ủng hộ một nền tảng sản xuất hội nhập và cạnh tranh nhằm mang lại cho người tiêu dùng những sản phẩm tốt nhất với mức giá thành thấp nhất.

Trong khi Mỹ đang cố gắng thay đổi điều khoản của những thỏa thuận đang tồn tại thì các nước châu Á và ở những khu vực khác lại đang cố gắng đạt được các thỏa thuận quy mô lớn, đa phương như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với sự tham gia của 16 nước, Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Nhật Bản - EU và TPP phiên bản 2.0.

Hiện 11 nước thành viên còn lại của TPP đang phối hợp để cố gắng giới thiệu phiên bản mới TPP 2.0 này tại hội nghị các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Việt Nam tháng tới. Điều này tất nhiên là khó khăn khi xem xét những tác động to lớn của việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận. 

Tuy nhiên, các nhà đàm phán đã lựa chọn một công thức thông minh - tạm thời trì hoãn một số nguyên tắc của TPP đến khi Mỹ quay lại, điều này cho phép họ điều hòa hai mục tiêu cơ bản nhất. Đó là thuyết phục các nước đang do dự ở lại mặc dù triển vọng về thành quả kinh tế có thể bị giảm sút và khuyến khích Mỹ quay lại TPP.

Chưa thể đoán được bao giờ Mỹ quay lại hoặc quay lại thế nào đối với TPP nhưng vai trò lãnh đạo của Mỹ đã giảm sút. Một số đối tác và đồng minh thân thiết của nước này đang cố gắng tạo nên những cơ hội thị trường mới mà không có Mỹ. 

Nếu NAFTA tan rã, người nông dân và người chăn nuôi gia súc Mỹ sẽ mất quyền tiếp cận thị trường với những khách hàng hàng đầu của mình. Công nhân Mỹ đang làm việc trong các nhà máy có liên quan NAFTA cũng sẽ bị sa thải. Chỉ tính riêng với ngành sản xuất phụ tùng ô tô, việc Mỹ rút khỏi NAFTA sẽ khiến 50.000 việc làm tại nước này bị đe dọa.

Tác giả bài viết kết luận, chủ nghĩa đơn phương không phải là công thức cho sự thành công mà nó sẽ biến nước Mỹ thành kẻ thất bại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục