Chuyên gia Mỹ đề xuất hướng đi trong chính sách thương mại Mỹ - Trung

15:37' - 14/04/2017
BNEWS Các quan chức cấp cao Trung Quốc dường như nhận thấy rằng cần phải nhấn mạnh những tác hại đối với cả hai bên, nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đầu tàu kinh tế này xảy ra.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX/TTXVN

Viện nghiên cứu Stimson mới đây đăng bài phân tích về quan hệ thương mại Mỹ - Trung cũng như nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước này của chuyên gia về kinh tế - thương mại Nate Olson. 

Theo tác giả, các quan chức cấp cao Trung Quốc dường như nhận thấy rằng cần phải nhấn mạnh những tác hại đối với cả hai bên, nếu cuộc chiến tranh thương mại giữa hai đầu tàu kinh tế này xảy ra.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chịu áp lực từ những người ủng hộ ông về việc tiếp tục thực hiện chương trình nghị sự "nước Mỹ trên hết".

Một hành động sai lầm có thể gây hậu quả nghiêm trọng đối với cả hai quốc gia Mỹ và Trung Quốc, khu vực châu Á - Thái Bình Dương và thậm chí ảnh hưởng còn rộng hơn.

Để tránh điều tồi tệ nhất và tìm ra phương án trong quan hệ với Trung Quốc, Tổng thống Trump sẽ cần có những thay đổi về mặt thương mại "bình đẳng hơn" và tăng việc làm cho người Mỹ bằng những chính sách thực tế hơn. 

Chuyên gia Olson đề xuất chính quyền Trump sử dụng nguyên tắc “có đi có lại” như bước đệm để tiến tới một chiến lược toàn diện hơn. Ông Trump đã nhấn mạnh nguyên tắc này trong đàm phán thương mại với Nhật Bản và Canada. Cộng đồng doanh nhân Mỹ ở Trung Quốc cũng hoan nghênh điều đó.

Nguyên tắc “có đi có lại” ngụ ý rằng Mỹ chuẩn bị trừng phạt những ai làm sai và cũng chấp nhận hình phạt nếu Mỹ sai. Điểm cốt lõi là không nên do dự trong việc công nhận tính hợp pháp của các tổ chức phát triển và thực thi quy định. Chiến tranh thương mại nổ ra khi các quy định không rõ ràng hoặc bị suy yếu. 

Bên cạnh đó, các quan chức của chính quyền Trump sẽ thấy những lợi ích lớn khi tiếp tục ủng hộ Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Các thể chế này cung cấp cơ sở pháp lý và chính trị cho các quy định thương mại quốc tế, và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp phức tạp. 

Về tiền tệ, Mỹ cáo buộc Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ khi trợ giá xuất khẩu một cách không công bằng. Điều này có thể dẫn đến những tranh chấp giữa Mỹ và Trung Quốc tại WTO, thậm chí có thể dẫn tới việc Trung Quốc trả đũa các công ty Mỹ đang làm ăn ở nước này.

Ngoài ra, Chính quyền Trump cũng đưa ra tuyên bố Đức và Nhật Bản là những nước thao túng tiền tệ - điều này có thể có tác động xấu tới quan hệ hợp tác giữa Mỹ với các đồng minh.

Trong khi đó, cả ba quốc gia Mỹ - Đức - Nhật đều cam kết chống hạ giá đồng tiền trong những năm gần đây. Đức - nước Chủ tịch G20 năm 2017, đã thúc đẩy nhóm ba quốc gia này tái khẳng định cam kết trên.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin là người đi đầu ủng hộ động thái này khi các Bộ trưởng Tài chính G20 nhóm họp. Tuy nhiên theo các báo cáo, cho đến nay sự đồng thuận có vẻ như rất khó khăn. 

Ông Olson cũng đề cập đến việc hướng tới cân bằng thương mại Mỹ - Trung trong lĩnh vực sản xuất truyền thống. Lợi thế cạnh tranh của Mỹ hiện nay và trong tương lai nằm ở chuỗi sản xuất dây chuyền. 

Các cuộc đàm phán thương mại của Mỹ vốn thất bại trong việc đặt ưu tiên cho các lĩnh vực như dịch vụ, thương mại số, phối hợp quản lý vẫn chưa đem lại hiệu quả thực sự. Chính quyền Trump dường như phần nào đã đi đúng hướng về điểm này.

Mỹ lo ngại về các chiến thuật đa dạng của Trung Quốc nhằm có được tài sản "trí tuệ" của các tập đoàn Mỹ - từ trộm cắp đến các điều kiện pháp lý nhập nhằng, phiền hà về "an ninh mạng".

Đây là trục quan trọng nhất trong quan hệ kinh tế Mỹ - Trung và nó có thể thúc đẩy tiến tới hợp tác hay xung đột trong những tháng tới.

Đối với cả hai quốc gia, cải cách các quy định đầu tư nước ngoài và chuyển giao công nghệ đều nằm trong chương trình nghị sự hàng đầu năm 2017. 

Theo chuyên gia này, chính quyền Trump cần nghiêm túc hơn trong việc tạo ra và mở rộng các quy định về thương mại số, đặc biệt là các quy định quản lý dữ liệu xuyên biên giới.

Điều đó có thể củng cố vị trí của Mỹ so với Trung Quốc thông qua việc chấp nhận các điều khoản tương đương trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) khi tái đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA). 

Cuối cùng, Tổng thống Trump cần hướng tới các bang công nghiệp truyền thống, còn được gọi là các bang "Rust Belt".

Ông nên lên kế hoạch tiếp xúc các cử tri thuộc tầng lớp lao động về vấn đề việc làm theo cách có thể tạo ra khoảng không chính trị cho một chiến lược với Trung Quốc và bảo vệ ông khỏi sự thụt lùi về tỷ lệ ủng hộ trong các cuộc thăm dò. 

Tổng thống Trump có thể yêu cầu Quốc hội Mỹ tăng ngân sách đào tạo lực lượng lao động mới cũng như những công nhân đang thất nghiệp. Đây là điều ông nên lấy làm trọng tâm trong chiến dịch "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Nhóm cố vấn của ông Trump tháng trước đã nói với ông về nhu cầu cần phải có nhiều sáng kiến đào tạo hướng nghiệp và học nghề. Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ đã ít chú ý tới những chương trình này và ông Trump cũng vậy./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục