Công trình cấp nước chục tỷ ở Đắk Nông “đắp chiếu”, người dân "khát" nước sạch

08:26' - 29/10/2017
BNEWS Theo phê duyệt ban đầu, công trình có tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho 518 hộ dân, với khoảng 242m3/ngày đêm.
Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã biên giới Thuận Hạnh do UBND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng tháng 10/2014 và bàn giao đưa vào sử dụng vào 10/2015. Thời hạn bảo hành công trình là 1 năm. Từ đó đến nay, công trình nằm “đắp chiếu” gây lãng phí lớn và bức xúc trong dư luận.
Theo phê duyệt ban đầu, công trình có tổng vốn đầu tư 7,2 tỷ đồng, cấp nước sinh hoạt cho 518 hộ dân, với khoảng 242m3/ngày đêm. Sau khi điều chỉnh dự toán, tổng vốn đầu tư tăng lên gần 10 tỷ đồng nhưng quy mô cấp nước giảm lại còn khoảng 280 hộ, với khối lượng 124m3/ngày đêm. Kinh phí đầu tư công trình 90% từ nguồn vốn ước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, còn lại là ngân sách huyện và nhân dân đóng góp. Mục tiêu đầu tư công trình nhằm cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân vùng biên giới, giảm thiểu bệnh tật do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, hoàn thành mục tiêu nước sạch quốc gia đến năm 2020.
Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư đã bàn giao công trình về cho xã quản lý, sử dụng. Xã Thuận Hạnh cũng đã thành lập một tổ gồm 3 người để tạm thời quản lý, vận hành công trình cấp nước sinh hoạt tập trung này. Theo ông Phạm Văn Hoa, Trưởng thôn Thuận Hòa, một thành viên Tổ quản lý tạm thời, công trình đầu tư cả chục tỷ đồng nhưng mới bàn giao đã hỏng hóc. Trong quá trình vận hành, khi thì hệ thống bơm từ giếng khoan lên bồn xử lý không hoạt động, khi thì hệ thống bơm từ bể nước lên đài nước gặp sự cố; hệ thống điện, đường ống dẫn nước, giá đỡ đài nước… liên tục bị trục trặc. “Hiện nay công trình đã hoàn toàn “đắp chiếu”. Nếu chủ đầu tư không có phương án sửa chữa, vận hành thì sẽ gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước và bức xúc trong dư luận”, ông Hoa nói.
Hiện có gần 80 hộ dân đăng ký, mỗi hộ đóng từ 1,3 đến 1,7 triệu đồng để đấu nối với đường ống chính và mua đồng hồ đo nước nhưng chưa được sử dụng một giọt nước sạch từ công trình cấp nước chục tỷ này. Ông Mai Văn Tâm, nhà gần công trình nước sạch cho biết, khi nhà nước đầu tư công trình cấp nước quy mô, người dân rất vui mừng vì được sử dụng nước hợp vệ sinh. Gia đình đã đầu tư tiền của lắp đường ống, đồng hồ nhưng “ngóng” mãi chẳng thấy nước sạch về. “Trong lúc chờ nước sạch, gia đình vẫn phải dùng nước giếng. Bỏ ra tiền tỷ xây dựng công trình chỉ để ngắm, càng ngắm càng ngứa mắt”, ông Tâm bức xúc.
Đánh giá về hiệu quả của công trình cấp nước tập trung mà xã đang được thụ hưởng, bà Đoàn Thị Tốt, Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh ngao ngán: “Nhìn chung, công trình ọp ẹp, chưa dùng đã hỏng”. Nhận thấy công trình “có vấn đề” và những người được giao quản lý, vận hành không có chuyên môn nên UBND xã Thuận Hạnh đã trả lại công trình nước sạch cho UBND huyện Đắk Song để giao cho đơn vị khác quản lý.
Không chỉ gây lãng phí lớn, công trình cấp nước này có nguy cơ gây mất an toàn cho thầy cô, học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, xã Thuận Hạnh. Bởi phần đài nước của công trình, cách nhà máy bơm xử lý nước khoảng 3km, có dung tích 30m3, cao 30m nằm ngay trong khuôn viên nhà trường, sát cạnh dãy phòng học và gần khu vệ sinh. Thầy Lê Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Viết Xuân khẳng định, ban đầu nhà trường cũng không đồng ý để đài nước trong trường vì sợ ảnh hưởng đến các học sinh. Sau khi được lãnh đạo Ban Quản lý các dự án huyện, nguyên Chủ tịch UBND xã Thuận Hạnh (đã nghỉ hưu) thuyết phục, vì lợi ích của người dân nên nhà trường đã đồng ý. Tuy vậy, trường không ngờ rằng giá đỡ của đài nước lại quá yếu, ngay sau khi bơm nước lên lần đầu đã bị xiêu vẹo, dầm sàn của đài nước bị cong, đường ống cung và cấp nước cũng bị cong.
Sau sự cố trên, đơn vị thi công khắc phục bằng cách gia cố thêm giàn đỡ, đài nước bị “giảm dung tích chứa” bằng cách lắp đặt một ống thoát ở khoảng 2/3 đài để nước không thể bơm lên đầy bồn chứa được. Nhưng từ đó đến nay, đài nước không thấy bơm nước lên được nữa. “Nhà trường cũng mong muốn và đề nghị di dời đài nước sang một địa điểm khác để tránh sự nguy hiểm, rủi ro cho các học sinh và thầy cô”, thầy Sơn nói.
Người dân cho rằng quá trình tư vấn thiết kế, thi công “có vấn đề” nên công trình mới đưa vào sử dụng đã hỏng. Ông Trần Văn Quảng, Giám đốc Ban quản lý các dự án huyện Đắk Song, chủ đầu tư dự án lại cho rằng nhà máy có quy mô khá lớn, kỹ thuật vận hành phức tạp nhưng UBND xã Thuận Hạnh chỉ cử 3 người không có chuyên môn nghiệp vụ, nên không thể quản lý để đưa công trình vào hoạt động tốt. Ông Quảng cũng cho biết sau khi xã Thuận Hạnh trả lại công trình, Ban đang đề nghị UBND huyện giao cho một đơn vị có đủ năng lực để quản lý vận hành nhằm khai thác công trình có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu về nước sạch cho các hộ dân. Thế nhưng chưa có đơn vị nào mặn mà với công trình này.
Dù “tại anh hay tại ả” nhưng trên thực tế công trình cấp nước sinh hoạt tập trung có vốn đầu tư gần 10 tỷ đồng này mới chỉ bàn giao đã hư hỏng và không hoạt động. Trách nhiệm trước hết thuộc về chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế và thi công. Vì vậy, UBND huyện Đắk Song cần nhanh chóng khắc phục, sửa chữa và đưa vào vận hành công trình này. Qua đó, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân trên địa bàn 3 thôn Thuận Tân, Thuận Hòa và Thuận Thành, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước và tiền đóng góp của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục