Cuộc sống thụt lùi cả chục năm vì dự án "treo"

17:07' - 08/12/2017
BNEWS Dự án trường Đại học Tư thục Á Châu ở Bình Phước "treo" 10 năm qua, vùng đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai; đồng thời để lại nhiều hệ luỵ khiến cuộc sống người dân tụt hậu...
10 năm thực hiện dự án, Đại học Á Châu vẫn chỉ là những căn phòng xây dựng dang dở, bỏ hoang. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Được cấp phép cách đây 10 năm nhưng dự án trường Đại học Tư thục Á Châu – một dự án từng được kì vọng mang lại diện mạo mới cho ngành giáo dục tỉnh Bình Phước.

Thế nhưng, dự án trên " treo" 10 năm qua, vùng đất bỏ hoang gây lãng phí nguồn tài nguyên đất đai; đồng thời để lại nhiều hệ luỵ khiến cuộc sống người dân tụt hậu...

10 năm mất quyền sử dụng đất

Theo quyết định số 824/QĐ-UBND ban hành ngày 18/4/2008 của UBND tỉnh Bình Phước, dự án trường Đại học Tư thục Á Châu có tổng diện tích 308,773m2 được xây dựng dựa trên phần đất thu hồi của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp Bình Phước và một số hộ gia đình, cá nhân tại phường Tân Phú, Thị xã Đồng Xoài.

Ngay sau khi quyết định được phê duyệt, những hộ dân có đất nằm trong vùng quy hoạch của dự án đã lập tức bị “giam lỏng” quyền sử dụng đất. Thế nhưng, cũng kể từ thời điểm đó đến nay, ngoài việc chờ đợi, những hộ dân này chưa một lần được gặp mặt đơn vị đầu tư để bàn về phương án giải toả đền bù.

Ông Trần Hữu Đức, ở khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, người có 2,4 ha diện tích đất nằm trong vùng quy hoạch của dự án và cũng là người có diện tích đất lớn nhất bị ảnh hưởng trong số các hộ dân cho biết, từ lúc được thông báo đất nằm trong khu quy hoạch, gia đình ông đã ngưng khai thác số cao su trên đất để chờ dự án. Vậy mà năm này qua năm khác, cao su từ thời kì khai thác đã chuyển sang thời kì thanh lý còn dự án thì vẫn chưa thấy “tăm hơi”.

Ngoài tấm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để chứng minh đây là tài sản thuộc quyền sở hữu của mình ra thì 2,4 ha diện tích đất không thể mang lại giá trị gì suốt nhiều năm qua.

“Nhiều năm nay gia đình tôi như sống dở chết dở vì có đất mà không làm gì được. Kinh tế gia đình thì khó khăn, tiền bạc không có nhưng muốn vay vốn đầu tư làm ăn cũng hông được vì đất nằm trong dự án treo gần 10 năm nay rồi", ông Đức bức xúc.
Cũng theo ông Đức, vì chờ đợi quá lâu, nhà thì quá khó khăn mà con cái ăn học không có tiền đóng góp nên ông tính xin phép xây một căn chòi nhỏ trên mảnh đất của mình để cho vợ ông bán nước mía nhưng phòng tài nguyên môi trường thị xã Đồng Xoài không cho phép vì lý do đất của gia đình ông là đất đang nằm trong quy hoạch của trường đại học Á Châu không xây dựng được.
"Làm nhà không được, bán để trả nợ ngân hàng cũng không xong, gia đình tôi gần như đi vào ngõ cụt khi không có cơ quan chức năng nào giải quyết", ông Đức than thở.

Gần 10 năm nằm trong dự án Đại học "Treo", gia đình ông Đức có đất cũng không thể sử dụng. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Không được buôn bán, sang nhượng, không được đầu tư, xây cất – tất cả chỉ gói gọn trong lý do đất thuộc vùng quy hoạch dự án xây dựng trường Đại học Á Châu. Ông Nguyễn Văn Thái, ở khu phố Phú Mỹ, phường Tân Phú, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, người chỉ có 370 m2 đất nằm trong dự án nhưng cũng lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan.
"Có đất không được xây nhà mà phải đi ở nhà thuê. Trong khi đó, chúng tôi cũng là dân lao động tự do thôi, phải đi làm hồ rất vất vả. Đất thì để không đấy nhưng mà mình không được sử dụng, muốn cầm cố, muốn vay cũng không được phép”, ông Thái chia sẻ.

Tổn thất khó được đền bù

Với quy mô và tổng mức đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng, dự án xây dựng trường đại học Á Châu từng được kì vọng sẽ tạo nên một diện mạo mới cho ngành giáo dục Bình Phước. Tuy nhiên, sau 10 năm dài chờ đợi, dự án này chẳng có gì tiến triển ngoài những dãy phòng học dang dở nay đã bị bỏ hoang.

Cỏ mọc um tùm lấn át lối đi từ ngoài cho đến bên trong phòng học là bốn bức tường trát vữa không cả lợp tôn nằm phơi mưa phơi nắng. Một dự án được quy hoạch như “người khổng lồ” nhưng khi thực hiện thì chẳng khác nào “chú bé tí hon”.
Tiến độ xây dựng chậm trễ còn nhà đầu tư thì vẫn cố tình kéo dài thời gian đầu tư bằng những văn bản xin gia hạn.

Những công trình dỉ sét, dang dở, cỏ mọc um tùm là điểm nổi bật duy nhất của Đại học Á Châu sau 10 năm làm dự án. Ảnh: Đậu Tất Thành - TTXVN

Trong khi đó, vào năm 2014, UBND tỉnh Bình Phước đã từng có văn bản gửi Bộ Giáo dục – Đào tạo trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thu hồi dự án với nhiều lý do như: tiến độ đầu tư không đạt yêu cầu, các hạng mục xây dựng không đúng quy chuẩn xây dựng dựng, không đúng quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt, công tác đền bù giải toả chưa thực hiện xong và văn bản chứng minh năng lực tài chính không đạt yêu cầu.
Vậy mà đã 3 năm trôi qua, quyết định thu hồi dự án chưa thấy đâu nhưng thiệt hại vô hình lẫn hữu hình vẫn tiếp tục tạo thành gánh nặng cho người dân trong vùng dự án. Rõ ràng, việc tiếp tục dự án là điều khó có thể thực hiện và người dân đang rất cần một câu trả lời từ phía cơ quan chức năng để chấm dứt tình trạng chờ đợi khi quyền lợi bị “giam lỏng” trong cái khung của dự án đại học treo này.
Theo UBND tỉnh Bình Phước, đến nay, tỉnh vẫn chủ trương kiên quyết thu hồi dự án đại học Á Châu và dự kiến sẽ bố trí dự án mới trên phần đất này.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Phước Phạm Thị Ánh Hoa - phát ngôn của tỉnh cho biết, tỉnh sẽ tích cực thu hồi những dự án quy hoạch treo và xúc tiến các dự án theo đúng tiến độ. Đối với các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch treo của đại học Á Châu, UBND tỉnh cũng đã nhận được nhiều đơn thư phản ánh về tình trạng này. Tỉnh rất thông cảm và chia sẻ với các hộ dân đồng thời sẽ sớm có cuộc họp giải quyết và trả lời dứt điểm để các hộ dân được rõ.
Như vậy, quy hoạch treo của dự án đại học Á Châu có thể sẽ được chấm dứt nhưng ai sẽ chịu trách nhiệm cho phần tổn thất – những tổn thất của người dân suốt 10 năm ròng? Và hơn hết, với dự án mới được hứa hẹn, người dân liệu có phải tiếp tục sống trong cảnh chờ đợi như một thập kỉ qua./.

>>> Hồ Dư Hàng ô nhiễm nghiêm trọng, hàng nghìn hộ dân "khốn khổ"

>>> Người dân khốn khổ vì đường thi công 9 năm chưa thành

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục