Đà Nẵng thu hút mạnh vốn đầu tư vào khu công nghiệp, công nghệ cao

15:34' - 06/07/2017
BNEWS Điểm sáng đầu tư 6 tháng đầu năm nay của Đà Nẵng là thu hút được 13 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp (10 dự án trong nước, 3 dự án vốn đầu tư nước ngoài).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Đặng Việt Dũng cho biết, 6 tháng đầu năm nay, thành phố đã thu hút tổng vốn đầu tư hơn 277 tỷ đồng và 2 dự án đầu tư vào khu công nghệ cao với tổng số vốn đầu tư 366 tỷ đồng.

Đến nay, thành phố đã thu hút được 7 dự án vào khu công nghệ cao, tổng vốn đầu tư 158 triệu USD. Thành phố cũng đã cấp 5 quyết định chủ trương đầu tư, tổng mức đầu tư 7.050 tỷ đồng và điều chỉnh 8 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tổng mức đầu tư tăng thêm trên 1.400 tỷ đồng.

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2017, thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đầu tư cho 36 dự án đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn đầu tư 32 triệu USD, tăng 20% về dự án và tăng 269,5% về vốn so với cùng kỳ 2016.

Tính chung từ đầu năm đến nay thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.177 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, vốn đăng ký đạt gần 13.000 tỷ đồng, tăng 44,8% số vốn so với cùng kỳ 2016. Đến nay thành phố có tổng số 19.778 doanh nghiệp và chi nhánh, văn phòng đại diện đang hoạt động, vốn đăng ký đạt trên 97.000 tỷ đồng.

Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước, thành phố hoàn thành điều chỉnh, bổ sung các Khu công nghiệp Hòa Nhơn, Hòa Cầm (giai đoạn 2), Hòa Ninh vào quy hoạch phát triển các khu công nghiệp; thực hiện thủ tục thành lập các cụm công nghiệp Cẩm Lệ, Hòa Nhơn, Hòa Khánh Nam.

Để phát triển nông nghiệp, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Nghị quyết 03-NQ/TU về xây dựng, phát triển huyện Hòa Vang; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao; phê duyệt 7 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khảo sát, xây dựng Đề án Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Trong 6 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố ước đạt 696,4 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ 2016.

Các mặt hàng chủ lực duy trì mức tăng trưởng khá; trong đó cao su thành phẩm ước đạt 22 triệu USD, tăng 90% và tăng mạnh ở các thị trường Brazil, Myanmar, Malaysia, Thái Lan; sản phẩm dệt may có đơn hàng ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng 15,5%; động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử tăng 14,4%; thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ tăng 12,9%; đồ chơi trẻ em tăng 11,7%.

Riêng xuất khẩu thủy sản tuy có tăng trở lại, ước đạt 90 triệu USD, tăng 8,4%, nhưng vẫn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn do giá nguyên liệu đầu vào có xu hướng tăng và rào cản thương mại tại các thị trường nhập khẩu lớn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục