Dệt may Việt Nam bước vào năm Mậu Tuất với nhiều tín hiệu tích cực

17:48' - 17/02/2018
BNEWS Năm 2018 được dự báo sẽ là năm thuận lợi, có nhiều tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may Việt Nam. Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 33,5 tỷ USD.
Dệt may Việt Nam bước vào năm 2018 với nhiều tín hiệu tích cực. Ảnh minh họa TTXVN
Ngành dệt may Việt Nam đang tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và từng bước khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế. Năm 2018, với nhiều tín hiệu tích cực, dệt may Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2017, đạt từ 33,5-34 tỷ USD. 

* Duy trì đà tăng trưởng ổn định 

Năm 2017, ngành dệt may Việt Nam duy trì đà tăng trưởng ổn định. Năm 2017, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đã đạt tăng trưởng 2 con số và cán đích với 31 tỷ USD, tăng 10,23% so với cùng kỳ năm 2016 và cao hơn so với mục tiêu 30 tỷ USD đề ra từ đầu năm. 

Tại các thị trường chính, như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc đều giữ được mức tăng trưởng tốt. Cụ thể xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Mỹ đạt 12,5 tỷ USD, tăng 7,2% so với năm 2016, thị phần tăng từ 10% lên 11%; sang EU đạt 4 tỷ USD, tăng 9,23% so với năm 2016, thị phần tăng từ 1,4% lên 1,6%; sang Nhật Bản đạt 3,2 tỷ USD, tăng 6,1% so với năm 2016, thị phần tăng từ 8,7% lên 9,5%; sang Hàn Quốc đạt 2,7 tỷ USD, tăng 11,8% so với năm 2016, thị phần tăng từ 19% lên 20,6%. 

Đáng chú ý là đã có sự bứt phá tại các thị trường Trung Quốc, Nga, Campuchia… Ngoài ra, thị trường Hàn Quốc đã vươn lên vị trí thứ tư và tiến sát với thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc năm 2017 đã đạt 3,2 tỷ USD, bằng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đặc biệt, năm 2017 đánh một dấu mốc quan trọng của ngành dệt may Việt Nam khi lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu sản phẩm may mặc sang thị trường Trung Quốc; dự kiến, trong năm 2018 dệt may xuất khẩu sang thị trường này sẽ tăng cao hơn. 

Thêm một điều đáng chú ý là 17 năm trước, chỉ có 3 thị trường đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD gồm châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, nhưng nhờ các FTA, đến nay đã có 6 thị trường xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. 

Bên cạnh đó, ngành dệt may Việt Nam cũng đang tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 khá tốt, đặc biệt là ngành dệt. Nhờ áp dụng công nghệ cao, ngành dệt đã có rất nhiều máy móc hiện đại, có thể thay thế sức người và cho năng suất cao. Ví như trước đây làm 10 ngàn cọng sợi phải cần 100 công nhân, song hiện tại nhờ máy móc thiết bị hiện đại chỉ cần khoảng 25 lao động. Hoặc trước đây 1 công nhân chỉ đứng được 7 máy dệt, nhưng hiện có thể đứng 15 máy dệt, hay 1 công nhân có thể ngồi 3 máy may cùng lúc. Những bước tiến trên giúp ngành dệt may tăng năng suất mà không quá lo về thiếu lao động. Hiện ngành dệt may của Việt Nam đi trước một số nước trong khu vực ASEAN và hướng đến mục tiêu xanh-sạch-an toàn và giảm giờ làm việc. 

* Năm 2018: nhiều tín hiệu tích cực 

Năm 2018 được dự báo sẽ là năm thuận lợi, có nhiều tín hiệu tích cực đối với ngành dệt may Việt Nam. Toàn ngành đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 33,5 tỷ USD. Đặc biệt, khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, Hiệp định CPTPP được ký kết, sẽ là đòn bẩy quan trọng trong hoạt động xúc tiến thương mại, tạo điều kiện thuận lợi rộng mở thị trường cho ngành dệt may Việt Nam. 

Bước sang năm mới, còn nhiều vấn đề cần được tiếp tục khơi thông để ngành có động lực tăng trưởng sản xuất kinh doanh và đạt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu như đã đề ra. Theo đó, dệt may Việt Nam sẽ phải tập trung đầu tư tái cơ cấu nội bộ ngành; áp dụng công nghệ tiên tiến để tự cân đối dần các khâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; chuyển dịch sản xuất theo vùng lãnh thổ; tăng cường hợp tác, liên doanh, liên kết giữa doanh nghiệp dệt may trong nước, với đầu tư nước ngoài; khai thác thị trường truyền thống song song với khai thác thị trường mới. 

Đặc biệt, theo nhận định của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong sản xuất phải đi đôi với phát triển công nghệ, đi đôi với phát triển thương hiệu, đi đôi với đưa nhãn hiệu hàng hóa ra thị trường thế giới. Có nghĩa là, dệt may Việt Nam phải làm chủ được công nghệ phát triển hiện đại, công nghệ 4.0, làm chủ được các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam khi đưa ra thị trường thế giới, để tạo ra một nền công nghiệp dệt may phát triển ổn định, bền vững và hiệu quả. 

Để đạt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp phải thích ứng với tình hình thị trường, chấp nhận việc chuyển đổi đơn hàng để giảm thiểu thiệt hại cho doanh nghiệp; tăng cường mở rộng thị trường nội địa với đa dạng hóa các mặt hàng để đạt được mục tiêu đã đề ra. Đồng thời, ngành dệt may cần tập trung đầu tư vào lĩnh vực cốt lõi, có lựa chọn, tránh dàn trải; hình thành các chuỗi liên kết sản xuất sợi, dệt, nhuộm, may nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. 

Đặc biệt, theo ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, cần đầu tư phát triển ngành thiết kế, tăng tỷ lệ bán hàng ODM (thiết kế trên ý tưởng có sẵn, sản xuất) lên 10% nhằm từng bước hiện thực hóa mục tiêu thoát gia công và tăng giá trị gia tăng. 

Sản phẩm dệt may của Việt Nam hiện đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, những thị trường xuất khẩu đầy hứa hẹn cho dệt may Việt Nam là châu Âu, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc và Nga. Đặc biệt, sản phẩm dệt may Việt Nam được nhiều đối tác đánh giá cao vì chất lượng đảm bảo, thời gian giao hàng nhanh. 

Tuy nhiên, khó khăn của dệt may Việt Nam là tiếp tục cạnh tranh với hàng hóa cùng loại đến từ các nước khác. Và điểm yếu của ngành dệt may là vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu, chưa chủ động nhiều trong khâu thiết kế mẫu mã nên vẫn còn phải gia công nhiều. Nhưng với nền tảng vững chắc của năm 2017, cùng sự chuẩn bị kỹ lưỡng của các doanh nghiệp và chủ trương phát triển công nghiệp phụ trợ của Chính phủ, sẽ là động lực, là cú hích để ngành dệt may phát triển mạnh mẽ hơn trong năm 2018./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục