Đích đến thật sự của Tổng thống Donald Trump? (Phần 1)

06:30' - 19/04/2017
BNEWS Tổng thống Donald Trump đã ký hai sắc lệnh nhằm đối phó với các vụ lạm dụng thương mại của nước ngoài được cho là nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận thâm hụt thương mại rất lớn.
Đích đến thật sự của Tổng thống Donald Trump là gì trong các động thái điều chỉnh chính sách thương mại mới đây. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong một động thái nhằm tái định hình chính sách thương mại của nước Mỹ, Tổng thống Donald Trump ngày 31/3 đã ký hai sắc lệnh hành pháp nhằm đối phó với các vụ lạm dụng thương mại của nước ngoài được cho là nguyên nhân khiến nền kinh tế lớn nhất thế giới thâm hụt thương mại 502 tỷ USD vào năm 2016.

Theo sắc lệnh hành pháp thứ nhất, trong vòng 90 ngày, Bộ Thương mại và Đại diện Thương mại Mỹ sẽ tiến hành một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng các khoản thâm hụt thương mại của nước này với một số đối tác thương mại lớn nhất nhằm xác định những hành vi gian lận, thương mại không công bằng và mất cân bằng tiền tệ.

Sắc lệnh thứ hai siết chặt luật chống bán phá giá nhằm ngăn chặn các nhà sản xuất nước ngoài chèn ép các công ty Mỹ thông qua việc bán hàng hóa giá rẻ.

Đáng chú ý là Việt Nam cũng nằm trong "danh sách đen" những nước có vấn đề “gian lận thương mại” vừa bị Tổng thống Mỹ ký lệnh hành pháp ngày 31/3.

Ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các quốc gia trong danh sách này còn có Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Vùng lãnh thổ Đài Loan, Indonesia, Malaysia, Pháp, Thụy Sĩ, Đức, Mexico, Ireland, Italy, Canada.

Bản thân ông Trump đã không tiếc lời chỉ trích các nền kinh tế này: “Từ giờ trở đi, những ai phá luật sẽ phải chịu hậu quả và sẽ có những hậu quả nghiêm trọng”, Tổng thống Trump nói mà không nhắc tên bất kỳ nước nào.

Phát biểu tại Nhà Trắng ngày 31/3 sau khi ký sắc lệnh, ông nói: “Hàng nghìn nhà máy bị đánh cắp đi khỏi đất nước chúng ta, nhưng những người Mỹ không có tiếng nói nay đã có tiếng nói của họ trong Nhà Trắng.

Chính quyền của tôi sẽ chấm dứt các vụ trộm cắp sự thịnh vượng của Mỹ. Chúng ta sẽ bảo vệ nền công nghiệp của mình và tạo ra sân chơi bình đẳng cho người lao động Mỹ”.

Về phía dư luận đối với động thái của vị Tổng thống doanh nhân đầu tiên nước Mỹ, trang Investvine dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết lệnh này cũng sẽ khởi động cuộc điều tra “từng quốc gia một, từng sản phẩm một” trong 90 ngày.

Điều tra sẽ truy tìm chứng cứ cho thấy có hành vi “lừa đảo”, sai phạm, thỏa thuận thương mại không đúng cam kết, thi hành lỏng lẻo, sai lệch về tiền tệ và “những giới hạn gây phiền nhiễu của Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO)”.

Trang USA Today trích lời ông Peter Navarro, Cố vấn Thương mại cao cấp của Tổng thống, nói rằng đây là phần “cực điểm” trong lời hứa mang lại công việc cho người Mỹ được đưa ra từ chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông nhấn mạnh: “Đây là khởi đầu của việc thực hiện những lời hứa đó một cách triệt để”.

Trong số những quốc gia bị liệt vào danh sách các nước làm Mỹ mất cân bằng thương mại cũng có Indonesia, quốc gia vừa phải chịu một cú sốc lớn từ Washington liên quan đến việc Bộ Thương mại và Ủy ban Thương mại Quốc tế nước này áp thuế chống phá giá đối với nhập khẩu dầu diesel sinh học từ Indonesia.

Indonesia đứng ở vị trí thứ 15 trong danh sách các quốc gia bị Mỹ coi là có thặng dư thương mại cao 13 tỷ USD, tiếp theo là Canada với 11 tỷ USD thặng dư.

Phản ứng với hành động trên của chính quyền Tổng thống Trump, Bộ trưởng Thương mại Indonesia Enggartiasto Lukita cho biết Chính phủ Indonesia sẽ theo dõi chặt chẽ tình hình và sẽ cung cấp đầy đủ các thông tin, số liệu về các sản phẩm của Indonesia có khả năng bị Mỹ điều tra.

Thị trường Mỹ đã mang lại 15,68 tỷ USD cho Indonesia trong việc xuất khẩu các hàng hóa phi dầu mỏ và khí đốt vào năm 2016.

Các mặt hàng chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ là giày dép, hàng dệt may, thủy sản và tài nguyên thiên nhiên. Trong khi đó, Indonesia nhập khẩu từ Mỹ các loại hàng hóa là máy bay, đậu nành và máy móc.

>>>Đích đến thật sự của Tổng thống Donald Trump (Phần 2)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục