Diễn đàn Davos 2017: Sáng kiến "nền kinh tế nhựa mới" vì môi trường

11:11' - 17/01/2017
BNEWS Bốn mươi trong số những công ty hàng đầu thế giới tham dự Diễn Davos 2017 đã nhất trí đưa ra những cách thức sản xuất và tiêu thụ nhựa an toàn hơn đối với môi trường.
Australia đối mặt với vấn nạn gần 14.000 tấn rác thải là chai lọ nhựa mỗi năm. Ảnh: Reuters

Sáng kiến "Nền kinh tế nhựa mới" được lãnh đạo các công ty và tập đoàn lớn nhất thế giới đưa ra trong bối cảnh rác thải nhựa đang đe dọa hệ sinh thái toàn cầu, đặc biệt là các đại dương.

Sáng kiến này cũng được đưa ra chỉ vài ngày trước lễ nhậm chức tổng thống Mỹ của ông Donald Trump, người vẫn thể hiện quan điểm nghi ngờ đối với những cảnh báo được đưa ra về các vấn đề môi trường.

Đáp lại lời kêu gọi của nhà hàng hải và hoạt động từ thiện người Anh Ellen Mac Arthur, các công ty đa quốc gia như Unilever và Procter & Gamble đã cam kết tăng cường tái chế và cắt giảm sản xuất cũng như sử dụng các sản phẩm từ nhựa.

Trong đó, nhà khổng lồ trong lĩnh vực thực phẩm và hóa chất Unilever cho biết đến năm 2025 sẽ "bảo đảm tất cả các vỏ sản phẩm bằng nhựa của hãng hoàn toàn có thể tái sử dụng, tái chế hoặc dùng làm phân trộn." Các công ty khác ủng hộ sáng kiến này còn có Coca-Cola, Danone và Dow Chemical.

Diễn đàn Kinh tế Thế giới cảnh báo, nếu không có hành động khẩn cấp, đến năm 2050, các đại dương bị ô nhiễm nặng nề của Trái Đất sẽ có nhiều rác thải nhựa hơn cả cá.

Hiện khoảng 20% sản phẩm nhựa trên thế giới có thể được tái sử dụng và khoảng 50% có thể được tái chế với chi phí thấp. Tuy nhiên, nếu không có những thay đổi "căn bản" về thiết kế và sản xuất, thì 30% sản phẩm nhựa còn lại sẽ không bao giờ được tái chế, tương đương với 10 tỷ rúi rác nhựa một năm bị chôn vào đất, đổ ra biển hoặc thiêu hủy.

Là diễn đàn toàn cầu uy tín bàn luận về những vấn đề kinh tế-phát triển và thời sự thế giới, Diễn đàn Davos 2017 tập trung vào chủ đề "Lãnh đạo chủ động và có trách nhiệm" nhằm đề cao vao trò quản trị toàn cầu trong việc đối phó với những thách thức trong thời kỳ mới.

Thực tế cho thấy trong vài năm trở lại đây, thế giới đã chứng kiến nhiều xu hướng tiêu cực như bất bình đẳng kinh tế, phân cực xã hội và những hiểm họa môi trường khó lường gây ảnh hưởng đến đời sống và kinh tế người dân, tác động tới sự gắn kết xã hội và uy tín của các nhà hoạch định chính sách./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục