Doanh nghiệp cần phản ánh "thật" những khó khăn

16:00' - 08/03/2016
BNEWS Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng: doanh nghiệp cần nói thẳng, nói thật, kể cả phê bình … để đóng góp vào sự phát triển của thành phố trong bối cảnh hội nhập.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị gặp gỡ doanh nhân của UBND Tp. Hồ Chí Minh. Ảnh: TTXVN

Tại hội nghị gặp gỡ của thành phố và doanh nhân trên địa bàn năm 2016, với chủ đề "Lắng nghe và đổi mới", tổ chức ngày 8/3, Ủy viên Bộ  Bí thư Thành ủy Tp. Hồ Chí Minh Đinh La Thăng nhấn mạnh, những cản trở, vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình hoạt động đề nghị doanh nghiệp cần nói thẳng, nói thật, nói rõ địa chỉ, kể cả ý kiến phê bình, hiến kế cho thành phố… để cùng đóng góp vào sự phát triển của thành phố trong bối cảnh hội nhập.

Riêng các sở, ngành phải giải quyết ngay các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; nếu những vấn đề chưa giải quyết được ngay phải đưa ra thời gian cụ thể và báo cáo kết quả.

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, hiện nay trên địa bàn có hơn 266.470 doanh nghiệp, với vốn điều lệ đăng ký 2.021.597 tỷ đồng. Doanh nghiệp thành phố hoạt động sôi nổi ở nhiều lĩnh vực bán lẻ; công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; khoa học, công nghệ; xây dựng; dịch vụ; giáo dục...

Ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã có nhiều giải pháp để hỗ trợ, khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Các sở, ngành tập trung đẩy mạnh chương trình kích cầu, cải cách hành chính, di dời doanh nghiệp vào khu công nghiệp kết hợp đổi mới thiết bị, hợp tác liên kết với các tỉnh, thành phố... đã nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng của doanh nghiệp trên địa bàn.

Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp thành phố, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, từ năm 2016 đến năm 2020, là giai đoạn doanh nghiệp tập trung toàn lực cho hội nhập, nhưng cơ chế chính sách hiện nay còn nhiều vấn đề chưa được cải cách hoặc tiến trình cải cách còn chậm.

Bên cạnh đó, vấn đề đào tạo và phát triển nguồn nhân lực không chỉ doanh nghiệp, mà cho cả cán bộ, công chức phục vụ doanh nghiệp vẫn chưa được triển khai mạnh mẽ và hướng đến đáp ứng nhu cầu thực tế. Đặc biệt, bộ phận doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tốt, với lãi suất hợp lý, thuế suất ưu đãi.

Phản ánh về những khó khăn của ngành cơ khí, ông Đỗ Phước Tống, đại diện Công ty Cơ khí Duy Khanh cho hay, ngành cơ khí là trái tim của ngành công nghiệp và là một trong những ngành trọng điểm của nền kinh tế, nhưng những chính sách ưu đãi cho ngành cơ khí còn nhiều bất cập.

Cụ thể, trong nhiều năm nay, quy định đối với máy móc, thiết bị nhập khẩu có thuế suất là 0%; nhưng linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu lắp ráp phục vụ ngành cơ khí lại phải chịu thuế suất. Đồng thời, thuế giá trị gia tăng ở một số lĩnh vực có thời gian chờ hoàn thuế kéo dài từ 3 tháng đến hơn 1 năm, đang dẫn đến tình trạng "chôn vốn" của doanh nghiệp, trong khi doanh nghiệp Việt Nam có tiềm lực tài chính yếu và khó tiếp cận vốn ưu đãi.

Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may - Thêu - Đan Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, trước những cơ hội mà các Hiệp định Thương mại tự do mở ra, đặc biệt là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), doanh nghiệp ngành dệt may rất phấn khởi nhưng cũng có nhiều trăn trở, bởi quy định về tiêu chuẩn hàng hóa khắt khe. Ngành dệt may Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn về lao động, nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ...

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh, có hơn 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần được cung cấp thông tin về hội nhập, nắm bắt nội dung các Hiệp định thương mại tự do liên quan đến ngành nghề đang hoạt động để chủ động chiến lược sản xuất, kinh doanh.

Tại thị trường nội địa, doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ của Lãnh đạo thành phố trong kết nối đơn vị sản xuất với hệ thống phân phối, bán lẻ. Còn đối với thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp cũng gặp khó khăn trong việc xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường và tìm kiếm đối tác.

Trước những phản ánh cũng như kiến nghị của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, lãnh đạo thành phố sẽ tổ chức tiếp xúc với doanh nghiệp theo từng nhóm ngành nghề để có điều kiện nắm sát hơn hoạt động của doanh nghiệp, nhằm đưa ra các giải pháp hỗ trợ kịp thời và phù hợp.

Đánh giá cao tâm huyết của doanh nghiệp đối với sự phát triển của thành phố, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, doanh nghiệp là đội ngũ tiên phong trong hội nhập, do đó thành phố luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển trên mọi lĩnh vực.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy Việt Nam chưa có nhiều đơn vị tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, mà nguyên nhân là do cả cơ chế chính sách lẫn nội tại của doanh nghiệp chưa nâng cao được năng lực cạnh tranh trong hội nhập.

Vì vậy, Lãnh đạo Tp. Hồ Chí Minh phải nâng cao năng lực của mình trong việc cải cách thể chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh tốt hơn nữa; còn doanh nghiệp cần tích cực cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm, dịch vụ để tạo ra những thương hiệu hàng Việt tại thị trường khu vực và thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục