Doanh nghiệp tôm gặp khó trong tiếp cận công nghệ mới

13:09' - 13/06/2017
BNEWS Doanh nghiệp tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó trong tiếp cận công nghệ mới và nguồn tài chính hỗ trợ.

Đây là thông tin được ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp. Hồ Chí Minh cho biết tại Hội thảo “Giải pháp công nghệ và tài chính trong ngành nuôi trồng và chế biến tôm” do Sở Công Thương thành phố Cần Thơ phối hợp với Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Tp. Hồ Chí Minh và Tổ chức Oxfam tại Việt Nam tổ chức tại Cần Thơ ngày 13/6.

Quang cảnh buổi hội thảo “giải pháp công nghệ và tài chính trong ngành nuôi trồng và chế biến tôm”. Ảnh: Thanh Sang-TTXVN.

Cũng theo ông Huỳnh Kim Tước, việc hạn chế về nguồn tài chính cũng là rào cản mà ngành tôm Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đang đối mặt trong việc mở rộng sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn bắt buộc của các nhà sản xuất quy mô nhỏ trong khu vực.

Vì vậy, để hội nhập với nền kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp nuôi trồng và chế biến tôm Việt Nam phải không ngừng cải tiến quy trình, công nghệ, nâng cao năng suất sản xuất.

Điều đó, không chỉ giúp doanh nghiệp giảm chi phí, tăng lợi nhuận mà còn giảm tác hại cho môi trường, xã hội và từ đó làm tăng uy tín, lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Theo ông Dương Nghĩa Hiệp, Phó Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ, doanh nghiệp phải áp dụng các giải pháp hiệu quả về công nghệ tiên tiến và tài chính để phát triển bền vững, góp phần tăng trưởng cho ngành công nghiệp nuôi trồng và chế biến thuỷ sản của khu vực.

Đánh giá của Sở Công Thương Cần Thơ cho thấy, hiện sản xuất tôm Việt Nam đã cung cấp sinh kế cho hơn 1 triệu người và cải thiện thu nhập cho các nhà sản xuất quy mô nhỏ.

Tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, ngành nuôi trồng và sản xuất tôm là một trong những ngành sản xuất chính mang lại sinh kế cho hàng trăm nghìn hộ dân, đồng thời góp phần phát triển nền kinh kế của khu vực.

Tuy nhiên, hiện sự bùng nổ của ngành nuôi công nghiệp nuôi tôm tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã kéo theo nhiều tác động xấu về môi trường và xã hội.

Bởi vậy, bên cạnh việc tăng khả năng cạnh tranh thì quy trình sản xuất và nuôi trồng tôm còn phải áp dụng thêm công nghệ tiên tiến góp phần quan trọng cho việc kinh doanh hiệu quả và bảo vệ môi trường.

Nhằm giúp các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản và các cơ sở nuôi tôm vùng Đồng bằng sông Cửu Long tháo gỡ những bài toán khó về cải thiện quy trình công nghệ và tài chính trong nuôi trồng cũng như chế biến tôm, nhiều giải pháp đã được chuyên gia đưa ra bàn thảo.

Trong đó, có các giải pháp trong nuôi trồng và chế biên tôm bằng cách sử dụng điện năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

Cùng với đó là ứng dụng năng lượng tái tạo; ứng dụng các mô hình nuôi tôm hiệu quả giúp tăng năng suất thông qua việc tăng nuôi thâm canh và tăng tỷ lệ sống của tôm để giảm tiêu hao năng lượng trên đơn vị sản phẩm.

Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng đề xuất nhiều giải pháp và mô hình nuôi tôm hiệu quả cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long như lót bạt đáy ao; sử dụng mái che bằng lưới, nhà màng, nhà kính cho ao nuôi tôm; sử dụng máy cho ăn tự động; sử dụng các hệ thống quan trắc tự động và giải pháp chủ động điều chỉnh độ mặn của nước ao nuôi tôm bằng 2 nguồn nước mặn và nước ngọt….

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục