Doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá thế nào về chính sách thuế AEC?

06:31' - 17/01/2016
BNEWS Tham gia AEC, với mức thuế suất áp dụng hấp dẫn hơn được doanh nghiệp và chuyên gia nhìn nhận đây là cơ hội lớn mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Cánh cửa Cộng đồng Kinh tế ASEAN đã mở. Tuy sức ép cạnh tranh sẽ ngày càng lớn, cộng thêm các cam kết sẽ ngày càng chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn nhưng với mức thuế suất áp dụng hấp dẫn hơn, được các chuyên gia, doanh nghiệp nhìn nhận đây là cơ hội lớn mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.

*TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM): Chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi

TS Võ Trí Thành. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS.

Tiến trình hội nhập sâu rộng cho thấy những bước ngoặt mà Việt Nam cần thay đổi để phát triển. Chúng ta cần chơi với những người giỏi hơn để có thể học hỏi.

Để tận dụng mọi cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do được đàm phán và ký kết trong năm 2015, theo tôi, chúng ta muốn đánh giá sát tác động của các cam kết hiệp định thương mại đối với các doanh nghiệp và thị trường nội địa cần xem xét nhiều khía cạnh.

Việc giảm thuế xuất nhập khẩu là cơ hội để doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, qua đó sẽ thúc đẩy các cơ hội đầu tư, xuất khẩu. Doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội này giảm chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí gia nhập thị trường để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa và dịch vụ.

Các hiệp định thương mại tự do mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài; đồng thời cũng mở rộng đầu tư trong nước. Việt Nam được quyền tiếp cận nhiều thị trường rộng lớn với sức mua cao.

Đây là cơ hội lớn để doanh nghiệp trong nước, cũng như nhà đầu tư nước ngoài tìm hiểu Việt Nam. Bên cạnh đó, niềm tin vào cải cách của Việt Nam cũng mạnh mẽ hơn tạo niềm tin cho nhà đầu tư về một sân chơi bình đẳng, minh bạch, rõ ràng.

Tuy nhiên, bước vào sân chơi này,  doanh nghiệp của Việt Nam vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí còn nhiều doanh nghiệp “còn yếu”, khả năng tiếp cận và tận dụng cơ hội để làm ăn còn khá yếu.

* Bà Nguyễn Thị Vạn Thọ, Phó Tổng giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Dược Danapha: Đặt mục tiêu phải đổi mới

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành đã mở thêm nhiều cơ hội cho các sản phẩm và thương hiệu của Danapha được biết đến nhiều hơn không chỉ ở trong nước, mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Hơn thế nữa, các chính sách thuế mới không những không ảnh hưởng tới các hoạt động sản xuất, thương mại của doanh nghiệp, mà xu hướng là có lợi, giúp doanh nghiệp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận và đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường khác, ngoài những thị trường xuất khẩu truyền thống của Danapha như Nga và các nước Đông Âu…

Tuy nhiên, Danapha sẽ chịu sức ép cạnh tranh ngày càng lớn, cộng thêm các cam kết sẽ ngày càng chặt chẽ và nghiêm ngặt hơn về tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc xuất xứ và quy trình, công nghệ sản xuất sản phẩm… Điều này đặt ra cho doanh nghiệp mục tiêu cần đổi mới, phải đầu tư chuyên sâu hơn vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển và không ngừng nâng cao trình độ, tay nghề cho người lao động.

Trong thời gian qua, cũng như nhiều doanh nghiệp khác trên cả nước, Danapha phải đối mặt và vượt qua không ít khó khăn, thách thức để đạt tới những thành tích ấn tượng như hôm nay. Minh chứng cho sự phát triển của hệ thống Danapha là gồm Nhà máy GMP-WHO Đông dược tại Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) có vốn đầu tư trên 60 tỷ đồng; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, Nhà máy Dược Công nghệ cao Danosome và một số dự án phát triển đào tạo khác…

Danapha hướng tới trở thành một trong 10 nhà sản xuất dược phẩm uy tín tại Việt Nam và thương hiệu dược phẩm nổi tiếng khu vực Đông Nam Á.

*Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam: Cần sự ứng biến linh hoạt trong chính sách thuế

Ông Phan Thế Ruệ. Ảnh:hiephoixangdau.org

Thực hiện các cam kết theo Hiệp định ATIGA, hiệp định toàn diện đầu tiên của ASEAN điều chỉnh toàn bộ hoạt động thương mại hàng hóa trong nội khối, riêng đối với mặt hàng xăng, dầu là “vô cùng” hữu ích với mọi quốc gia thành viên; trong đó có Việt Nam.

Sẽ rất tốt, nếu Việt Nam thực hiện được đúng lộ trình như đã cam kết là đến năm 2018 sẽ xóa bỏ hầu hết các dòng thuế, gồm cả thuế nhập khẩu xăng dầu. Song trên thực tế, chính sách điều hành từ các cơ quan, ban, ngành chức năng hiện chưa giúp được nhiều cho doanh nghiệp tận dụng những cơ hội mang lại trong quá trình thực hiện lộ trình cam kết.

Đơn cử như quyết định mới đây của Bộ Tài Chính về việc giảm thuế suất mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20% hoặc dầu từ 20% xuống 12%, sắp tới là 10% và 0%... đang khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này chịu ảnh hưởng và bị tâm lý “giật cộp”.

Các doanh nghiệp vừa mất tính chủ động, trong khi ngân sách lại vừa bị hụt nguồn thu. Đáng lý, lộ trình giảm thuế cần phải được thực hiện trước thời điểm tháng 10/2015, để các doanh nghiệp chủ động xây dựng phương án kinh doanh, đồng thời ứng phó với những biến động từ thị trường.

Đó là chưa kể phản hồi từ các nhà xuất khẩu dầu mỏ thế giới cũng kêu rất nhiều về sự ứng biến trong chính sách thuế của Việt Nam đối với lĩnh vực này chưa thực sự linh hoạt.

Dù sao, với chính sách thuế mới khi AEC được hình thành sẽ mang lại lợi ích lâu dài và bền vững cho doanh nghiệp, cho thị trường và người tiêu dùng xăng dầu.  

* Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội động quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Intimex: Muốn có giá tốt phải có thị trường hàng hóa

Ông Đỗ Hà Nam. Ảnh: Intimex.

Cà phê Việt Nam là một trong những mặt hàng bán toàn cầu, chỉ sau Braxin. Sản phẩm cà phê Việt Nam dường như không thể thiếu trên toàn thế giới. Sản phẩm cà phê hạt gần như không có thuế. Tuy nhiên, đối với sản phẩm đã qua chế biến các thị trường đều đòi hỏi thuế rất cao. Chính bởi thuế nên các doanh nghiệp Việt Nam mới chậm tiến tới các sản phẩm chế biến.

Khi tham gia TPP, AEC, cũng như các FTA, rõ ràng sẽ là một lợi thế cho các sản phẩm chế biến chất lượng cao của Việt Nam vào các thị trường này. Muốn có giá tốt phải có thị trường hàng hóa. Thị trường hàng hóa đó các nhà rang xay đều biết là giá cà phê hạt đi xuống, nhưng giá cà phê rang xay thậm chí có lúc tăng lên. Do đó, khoảng chênh lệch giữa người sản xuất và chế biến rất lớn. Các nhà rang xay có lợi nhuận rất cao, thậm chí là tuyệt vời

Do vậy các doanh nghiệp Việt cần tập trung nghiên cứu, đi sâu vào chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan… những mặt hàng có giá và có thương hiệu. Đặc biệt thị trường khu vực châu Á, thị trường cà phê Việt Nam còn đang bỏ ngỏ thời gian tới rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp cà phê Việt Nam. Đây là điểm các doanh nghiệp cần ưu tiên.

Những năm gần đây, Việt Nam đã tăng nhanh sản phẩm cà phê chế biến và đến nay đã có khoảng ¼ sản lượng được đem vào khâu chế biến. Việt Nam đang có thị trường rất tốt ở châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á.  Nếu sản phẩm cà phê Việt Nam có giá tốt, cơ hội vào các thị trường này rất nhanh chóng.

Riêng với Intimex, doanh nghiệp đều đã nhận thấy và quan tâm tới vấn đề này. Tuy nhiên để làm được điều đó, doanh nghiệp phải đầu tư vốn lớn và cần có thời gian./.  

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục