Doanh nghiệp Việt vẫn bị động khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu

14:24' - 29/03/2016
BNEWS Việc tiếp cận phân công lao động quốc tế theo chuỗi giá trị toàn cầu giúp doanh nghiệp hiểu rõ về vị trí của mình trên trường quốc tế.

Vai trò của dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu gần như không có bởi nhiều năm qua, ngành dệt may luôn nằm trong số các ngành dẫn đầu về kim ngạch xuất khẩu nhưng chỉ tham gia nhiều nhất là các công đoạn cắt và may, tức là gia công.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chia sẻ tại Hội thảo APEC về thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) trong ngành dệt may do Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) tổ chức sáng 29/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú khẳng định, việc ngành dệt may tham gia chuỗi cung ứng vẫn đang dừng lại ở mức bị động, chỉ tập trung vào những phần dễ làm, chưa hướng đến nhu cầu của thị trường để tìm cách đáp ứng nhu cầu. Hơn nữa, ngay cả bản thân các doanh nghiệp sản xuất hàng gia công cũng rất thụ động trong việc tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú, chuỗi giá trị là những hoạt động cần thiết nhằm tạo ra một sản phẩm hoặc một loại hình dịch vụ từ lúc chúng mới chỉ là khái niệm. Thông qua các giai đoạn sản xuất và dịch vụ khác nhau (bao gồm kết hợp giữa sự biến đổi vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau) đến khi phân phối tới tay người tiêu dùng cuối cùng và bỏ đi sau khi đã sử dụng.

Những hoạt động trong chuỗi giá trị có thể thực hiện trong phạm vi một doanh nghiệp được phân phối giữa các doanh nghiệp khác nhau, trong một địa lý nhất định hoặc trải rộng trong phạm vi doanh nghiệp hoặc trải rộng trong phạm vi nhiều quốc gia và trở thành chuỗi giá trị toàn cầu (GVCs).

Do đó, đây chỉ là cách tiếp cận mới, toàn diện hơn về phân công lao động quốc tế. Điều này có nghĩa là bất kỳ doanh nghiệp nào tham gia vào quá trình sản xuất một sản phẩm xuất khẩu đều có thể coi là đã tham gia vào GVCs.

Tuy nhiên, việc tiếp cận phân công lao động quốc tế theo GVCs sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về vị trí của mình trên trường quốc tế để có thể lụa chọn công đoạn tham gia phù hợp nhằm tối đa hóa lợi nhuận của mình. Chính vì thế, không còn cách nào khác nếu muốn phát triển và vươn ra các thị trường trong khu vực thì nhất thiết phải tham gia vào GVCs toàn cầu một cách trực tiếp hoặc gián tiếp.

Bà Phạm Quỳnh Mai, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên không ngần ngại đưa ra những khó khăn của ngành dệt may dù có tốc độ tăng trưởng khá nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu nguyên phụ liệu từ nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến ngành dệt may trong nước nếu thị trường này có những biến động bất lợi.

Các diễn giả trình bày các cơ hội, khó khăn ngành dệt may phải đối mặt khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ảnh:Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Bên cạnh đó, doanh nghiệp dường như vẫn chỉ biết làm phần của mình, chưa chú ý nhìn ra xung quanh xem các đồng nghiệp, thậm chí là đối thủ của mình làm như thế nào. Điều này dẫn đến tình trạng doanh nghiệp chậm đổi mới, sản phẩm không có tính cạnh tranh cao.

Cũng theo bà Phạm Quỳnh Mai, tại các nền kinh tế đang phát triển trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương, điển hình là ở Việt Nam hiện có hơn 90% tổng số doanh nghiệp trong nền kinh tế được xếp vào DNNVV và siêu nhỏ. Dù không ít doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ mạnh dạn đầu tư khâu phụ trợ cho một số doanh nghiệp ngành dệt may nhưng doanh nghiệp dệt may lại không đảm bảo được việc tiêu thụ sản phẩm do không tìm được bạn hàng nên những sự hợp tác đó thất bại.

"Điều này cho thấy sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn nhiều vấn đề bất ổn. Tất cả những điểm yếu nội tại đó đang cản trở ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững và tạo được những vị trí nhất định khi tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu", bà Mai nói.

Theo dự báo của các diễn giả tại hội thảo, có thể đến năm 2030, quy mô sản xuất hàng dệt may của toàn thế giới sẽ mở rộng gấp đôi, sản lượng của châu Á sẽ chiếm hơn 60% sản lượng dệt may thế giới; quy mô sản xuất tại châu Á sẽ tăng gấp 2,4%. Hơn nữa, TPP và FTA sẽ biến Việt Nam trở thành điểm đến cho chuỗi cung ứng sản phẩm dệt may thế giới. Đây chính là cơ hội cho ngành dệt may Việt Nam tận dụng đón đầu cơ hội này.

Để vị thế cạnh tranh của ngành dệt may Việt Nam được nâng cao khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, Tập đoàn Dệt may cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cần tích lũy kinh nghiệm nhiều năm làm hàng gia công để thay đổi chiến lược trong sản xuất, quản lý; xây dựng đội ngũ lao động có chất lượng đáp ứng được đơn hàng khó, tiến tới những phương thức sản xuất cao hơn, thoát khỏi vị trí chỉ là khâu gia công sản phẩm…, tạo nền tảng tốt cho doanh nghiệp chuyển sang sản xuất hàng FOB (cung ứng thêm nguyên liệu), ODM (từ thiết kế gốc phát triển thành sản phẩm).

Đặc biệt, các doanh nghiệp cần phải tăng cường sự gắn kết, phối hợp với nhau để tranh thủ được lợi thế của từng doanh nghiệp, tạo ra chuỗi cung ứng trong nước một cách chủ động, hiệu quả hơn để cùng phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục