TPP giúp Việt Nam tăng gấp đôi thị phần hàng dệt may và da giày tại Mỹ

11:34' - 27/02/2016
BNEWS Thời báo Tài chính Anh nhận định: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xuất khẩu hàng dệt may trong thời gian tới.
Dệt may và da giày Việt Nam sẽ có cơ hội tăng gấp đôi thị phần quốc tế khi Hiệp định TPP chính thức có hiệu lực. Ảnh: TTXVN

Ông David Robinson - Giám đốc châu Á của Bộ phận nghiên cứu đầu tư thuộc tờ "Thời báo Tài chính" (Anh) cho rằng, so với ba quốc gia thành viên khác ở khu vực Đông Nam Á gồm Malaysia, Brunei và Singapore, thì Việt Nam có thể là nước hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được triển khai.

TPP có 12 thành viên và chiếm tới 40% nền kinh tế toàn cầu. TPP có thể mở ra cơ hội lớn cho các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam chiếm lĩnh nhiều thị trường giàu tiềm năng và phi thuế quan.

Tuy nhiên, để có thể tranh thủ tốt nhất cơ hội này, Chính phủ Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế quốc dân và tích cực triển khai kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Dự kiến, Việt Nam sẽ phê chuẩn TPP trong năm 2016. TPP cũng cần được Quốc hội Mỹ thông qua, mặc dù tại Đồi Capitol, nó sẽ vấp phải nhiều thách thức.

Sau khi được phê chuẩn, TPP sẽ giúp các công ty của Việt Nam tiếp cận nhiều thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Australia. Đây được coi là động lực quan trọng kích thích hoạt động xuất khẩu, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm ở trong nước.

Dệt may và da giày là những lĩnh vực công nghiệp phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu hàng xuất khẩu Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Vài năm trở lại đây, dệt may, da giày là những lĩnh vực phát triển nhanh và chiếm tỷ trọng đáng kể trong cơ cấu hàng xuất khẩu của Việt Nam. Đây cũng sẽ là những lĩnh vực hưởng lợi nhiều nhất khi TPP chính thức được phê chuẩn.

Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), hiện tại Mỹ đang áp thuế nhập khẩu đối với hàng da giày của Việt Nam với mức cao nhất có thể lên đến 48%. Trong khi đó, một số mặt hàng dệt may có thể phải chịu mức thuế 20%. TPP sẽ giảm các loại thuế nhập khẩu này xuống bằng 0% hoặc gần bằng 0%, tùy thuộc vào mỗi mặt hàng.

Như vậy, hàng da giày của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Mỹ có thể sẽ tăng đột biến. Năm 2015, hoạt động xuất khẩu mặt hàng này sang thị trường Mỹ đã đạt mức tăng 23%.

Tuy nhiên, ông Robinson cũng cho rằng việc giảm thuế nhập khẩu trong khuôn khổ TPP có thể sẽ dẫn đến những điều chỉnh của các nhà sản xuất da giày và dệt may Trung Quốc. Họ sẽ chuyển dịch hoặc mở rộng hoạt động sản xuất sang thị trường Việt Nam.

Trong 10 năm qua, chi phí nhân công tăng ở Trung Quốc đã khuyến khích một số ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thấp chuyển hướng hoạt động sản xuất sang khu vực sông Mê Công.

Bộ phận Nghiên cứu Đầu tư của tờ "Thời báo Tài chính" dự báo rằng TPP sẽ giúp Việt Nam tăng gấp đôi thị phần hàng dệt may và da giày tại Mỹ, và có thể đạt mức 30% vào năm 2020.

Bên cạnh đó, TPP cũng mang lại lợi ích đáng kể cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Việt Nam. Khi nguồn vốn đầu tư được tăng cường, ngành sản xuất ô tô của Việt Nam có thể vươn lên vị trí thứ hai tại Đông Nam Á, chỉ sau Thái Lan.

Rõ ràng, Việt Nam sẽ trở thành một thị trường hấp dẫn hơn, thu hút giới đầu tư bên ngoài.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục