Đồng Tháp sẽ trở thành Trung tâm sản xuất cá tra giống ở ĐBSCL?

21:46' - 13/10/2017
BNEWS Đồng Tháp có đủ điều kiện trở thành Trung tâm sản xuất cá tra giống hàng đầu khu vực ĐBSCL, nhưng cần có những giải pháp để có bước phát triển đột phá.
Cá tra Việt Nam "tìm đường" xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Ngày 13/10, Đoàn công tác Bộ nông nghiệp và phát triển thôn do Thứ trưởng Vũ Văn Tám dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Đồng Tháp về tình hình sản xuất cá tra giống trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, các vùng nuôi trong tỉnh từng bước ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá, các quy trình khoa học trong sản xuất, góp phần tăng năng suất sản phẩm, tiết kiệm chi phí. Người sản xuất đã từng bước thay thế dần đàn cá tra địa phương bằng đàn cá tra được cải thiện di truyền về tốc độ tăng trưởng và kháng bệnh...

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường nên tỷ lệ hao hụt lên tới trên 30%. Kèm theo đó, trong quá trình ương dưỡng, cá bệnh nhiều, khó điều trị. Đặc biệt, việc sử dụng hoá chất ngày càng nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng giống cũng như môi trường; đòng thời cạnh tranh sản xuất thiếu lành mạnh, chạy theo thị trường dẫn đến chất lượng giống không đồng đều.
Toàn tỉnh Đồng Tháp hiện có hơn 1.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cá tra, trong đó có 76 cơ sở sản xuất và 1.150 cơ sở ương giống, tập trung tại các huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh, Châu Thành. Trong 9 tháng qua, sản lượng giống sản xuất trên 950 triệu con, cá bột là 13 tỷ con, đáp ứng được nhu cầu con giống trong tỉnh cũng như các tỉnh lân cận.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho biết, tình hình sản xuất và kinh doanh cá tra giống vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức lớn do tổ chức sản xuất giống manh mún, nhỏ lẻ dẫn đến hao hụt và thiếu tính ổn định trong việc cung ứng thị trường. Do đó, đe doạ đến việc phát triển bền vững ngành hàng sản xuất, chế biến cá tra.
Ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, An Giang và Đồng Tháp là hai địa phương có những điều kiện thuận lợi để trở thành Trung tâm sản xuất thuỷ sản nước ngọt; trong đó có ngành hàng cá tra giống. Riêng Đồng Tháp có đủ điều kiện trở thành Trung tâm sản xuất cá tra giống hàng đầu khu vực ĐBSCL, nhưng cần có những giải pháp để có bước phát triển đột phá.

Theo đó, tỉnh phải rà soát tình trạng sản xuất giống cá tra hiện nay; hạn chế tình trạng sản xuất tự phát, tăng trưởng "nóng" theo thị trường. Thay vào đó là tư duy sản xuất có liên kết với doanh nghiệp và doanh nghiệp giữ vao trò dẫn dắt để phát triển vùng nuôi; đồng thời chủ động bố trí vùng sản xuất giống tập trung với sự đầu tư về cơ sở hạ tầng để cải thiện chất lượng con giống.
Trong thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thuỷ sản 2 lựa chọn giống bố mẹ có kháng thể tốt, hướng tới việc nhân giống có khả năng chống chịu dịch bệnh cao, giảm tỷ lệ hao hụt; đồng thời yêu cầu Hiệp hội cá tra Việt Nam dự báo thị trường, tình hình tiêu thụ để điều tiết sản xuất theo hướng bền vững, ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục