ECB sẽ không vội nới lỏng chính sách tiền tệ

12:04' - 03/07/2016
BNEWS Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) sẽ không vội nới lỏng chính sách tiền tệ sau khi người Anh quyết định ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit), do phản ứng của thị trường không mạnh như lo ngại.
ECB sẽ không vội nới lỏng chính sách tiền tệ. Ảnh: reuters

Việc đa số người dân "xứ sở sương mù" bỏ phiếu ủng hộ Brexit đã nhấn chìm cổ phiếu ngân hàng, làm yếu đồng euro và ảnh hưởng tới triển vọng tăng trưởng, từ đó gây sức ép buộc ECB phải tung thêm biện pháp kích thích.

Tuy nhiên, các cuộc trao đổi và phát biểu công khai từ nhiều quan chức nắm rõ chủ trương của ECB cho thấy ECB đã phần nào yên tâm trước sự phục hồi của thị trường trong tuần này và tiếp tục theo dõi các diễn biến, khi thiếu bằng chứng rõ ràng về tác động thực sự từ Brexit.

Phó Chủ tịch ECB Vitor Constancio đã được dẫn lời nói rằng các thị trường đang hồi phục, các ngân hàng không xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản và nền tảng kinh tế nhìn chung không thay đổi, vì vậy ECB cần tiếp tục theo dõi trước khi xem xét liệu có cần thực hiện biện pháp đối phó nào hay không.

Các tiếng nói khác từ ECB cho biết các công cụ hoán đổi nhằm cung cấp euro cho các ngân hàng nước Anh trong trường hợp căng thẳng không được kích hoạt và biến động thị trường xuất phát từ triển vọng tăng trưởng kém hơn, không phải sự hoảng loạn.

Một trong các quan chức nói mọi nhận định về tác động của Brexit mới chỉ là những phỏng đoán ban đầu.

Các quan chức cho rằng nếu thị trường không biến động mạnh cho đến trước cuộc họp của ECB vào ngày 21/7, khả năng lớn nhất là ECB sẽ tuyên bố sẵn sàng hành động nếu cần.

Ông Constancio cảnh báo ECB không có nhiệm vụ đối phó với sự đi xuống nghiêm trọng về kinh tế mà điều này cần sự can thiệp của các cơ quan khác.

Các quan chức nhận định bất kỳ động thái hỗ trợ nào của ECB đối với thị trường sẽ chỉ đơn thuần là biện pháp tạm thời, không xua tan được lo ngại căn bản của người dân và nhà đầu tư về sự gắn kết về mặt chính trị và chiến lược kinh tế của châu Âu.

ECB đã hai lần hạ lãi suất kể từ tháng 12/2015 và đang mua 80 tỷ euro (88,71 tỷ USD) tài sản, chủ yếu là trái phiếu của các chính phủ ở Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), mỗi tháng để thúc đẩy kinh tế và đẩy lùi giảm phát.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục