Giải pháp nào cho Mexico trong chính sách xoay trục khỏi Mỹ?

06:30' - 25/05/2017
BNEWS Argentina và Brazil có thể trở thành nhà cung cấp các sản phẩm ngũ cốc như ngô vàng, gạo, lúa mỳ và bã đậu tương chủ chốt của Mexico thay thế cho Mỹ
Tổng điều phối viên những vấn đề quốc tế Bộ Nông nghiệp Raúl Urteaga. Ảnh: Reuters

Nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào các chính sách của Mỹ, một phái đoàn chính phủ Mexico do Tổng điều phối viên những vấn đề quốc tế Bộ Nông nghiệp Raúl Urteaga đã có chuyến thăm Argentina và Brazil, nhằm tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa nền kinh tế, cũng như các hoạt động trao đổi thương mại và đầu tư. 

Trong chuyến thăm kéo dài 1 tuần vừa kết thúc, ông Urteaga tuyên bố Argentina và Brazil có thể trở thành nhà cung cấp các sản phẩm ngũ cốc như ngô vàng, gạo, lúa mỳ và bã đậu tương chủ chốt của Mexico thay thế cho Mỹ. Chuyến công du của ông Urteaga là bước chuẩn bị cho khả năng Nhà Trắng rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) - thỏa thuận có sự tham gia của Canada, Mỹ và Mexico. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa tăng mức thuế lên hàng nhập khẩu của Mexico. Thị trường Mỹ chiếm tới 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mexico. 

Gần 20 doanh nghiệp lớn đã tháp tùng ông Urteaga trong chuyến làm việc với các nhà chức trách hai nền kinh tế hàng đầu Nam Mỹ. Đại diện Chính phủ Mexico, nền kinh tế lớn thứ hai Mỹ Latinh, đã bàn thảo với các đối tác Nam Mỹ về khả năng nhập khẩu 14 triệu tấn ngô vàng phục vụ chăn nuôi gia súc. Ngô trắng là nguồn thực phẩm chủ đạo của người dân Mexico, tuy nhiên sản lượng ngô trắng canh tác của nước này đủ để phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa. 

Các chuyên gia cho biết số tiền nhập khẩu ngô phục vụ chăn nuôi nói trên của Mexico lên tới 2,5 tỷ USD. Theo Liên đoàn chăn nuôi quốc gia Mexico, nước này cần 10 triệu tấn ngô và 3 tấn bột đậu tương mỗi năm để làm thức ăn cho gia súc. Trong năm 2015, giá trị nhập khẩu ngô vàng từ Mỹ của Mexico vào khoảng 2,3 tỷ USD. 

Trước sức ép của các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ, Tổng thống Trump vẫn chưa ký lệnh bãi bỏ NAFTA, mặc dù đã nhiều lần ông tuyên bố rút khỏi thỏa thuận tự do thương mại này với hai nước láng giềng. Kim ngạch xuất khẩu ngũ cốc của Mỹ sang Mexico năm ngoái lên tới 17,7 tỷ USD, nhiều gấp năm lần so với trước năm 1994, thời điểm NAFTA bắt đầu có hiệu lực. 

Các chuyên gia nhận định Argentina và Brazil có thể là chiếc phao cứu hộ của Mexico trong trường hợp Mỹ đưa ra những điều kiện không thể chấp nhận được trong khuôn khổ NAFTA. Thứ trưởng Bộ Kinh tế Mexico Juan Carlos Baker từng phát biểu với tờ Financial Times rằng nước này sẵn sàng đàm phán với Argentina và Brazil nhằm tăng cường quan hệ thương mại. Trong khi đó, Martin Redrado, cựu Thống đốc Ngân hàng Trung ương Argentina tuyên bố rằng có nhiều tiềm năng hợp tác có lợi cho đôi bên và Mexico luôn được chào đón ở Mỹ Latinh. 
Đây là thời điểm thuận lợi để Mexico hướng về phía Nam. Các chính phủ Argentina và Brazil hiện nay chủ trương chống chính sách bảo hộ, mở cửa thương mại tự do. Tuy nhiên, thách thức của Mexico ở khu vực bao gồm việc nước này cần tìm ra những lĩnh vực mà họ có thể bổ sung, thay vì cạnh tranh với các nước đối tác. 

Kinh tế Mexico và Brazil chiếm tới 62% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Mỹ Latinh, trong khi dân số và diện tích lãnh thổ chiếm hơn một nửa của khu vực. Trao đổi thương mại song phương trong năm 2016 đạt hơn 9 tỷ USD. Các doanh nghiệp Mexico đầu tư vào Brazil trên 30 tỷ USD. Trong khi đó, trao đổi thương mại giữa Mexico và Argentina năm 2016 đạt 2,3 tỷ USD. Argentina là đối tác thương mại lớn thứ tư của Mexico tại khu vực.
Mặt khác, trước những đe dọa liên tiếp của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc sẽ xóa sổ NAFTA, hay ít nhất sẽ có những điều chỉnh lớn về nội dung hiệp định này, Canada và Mexico đang sử dụng mọi phương cách để ngăn chặn những tác động xấu nhất có thể xảy ra. Đại sứ Canada tại Mexico Pierre Alarie cho rằng Canada và Mexico giống như hai du khách mệt mỏi đang tìm chỗ trú ẩn trong một cơn bão lớn. Họ sẽ có thể vượt qua cơn bão nếu biết tựa lưng vào nhau. Nhiều người cho rằng thông điệp của Đại sứ Alarie phản ánh mức độ hợp tác sâu sắc giữa hai nước, điều xưa nay không phải lúc nào cũng có trong nền chính trị đa chiều tại Bắc Mỹ./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục