Giải pháp nào để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc?

12:35' - 16/06/2018
BNEWS Vài tháng trở lại đây, cán cân thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được cải thiện đáng kể qua việc nhiều mặt hàng của Việt Nam đã xuất khẩu sang Trung Quốc với số lượng lớn.
Dây chuyền sản xuất sợi cotton, xuất khẩu sang Trung Quốc tại Công ty Cổ phần Đồng Phát (Hà Nội). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tuy nhiên, bên cạnh những giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và giảm dần nhập siêu từ thị trường này, một số ý kiến vẫn cho rằng Việt Nam vẫn chưa xuất khẩu được những mặt hàng có hàm lượng gia tăng cao và phát huy lợi thế đưa nhiều hàng hóa vào thị trường khó tính như châu Âu, Hoa Kỳ. 

Cán cân cải thiện 

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 14 năm qua Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

Cùng đó, Việt Nam hiện cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 đạt 93,7 tỷ USD, tăng 30,2% so với năm 2016. Đáng lưu ý, quy mô nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc trong 2 năm 2016 - 2017 bình quân đã giảm trên 16,1%/năm.

Nếu như năm 2015, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc là 32,4 tỷ USD thì đến hết năm 2017, mức nhập siêu từ Trung Quốc giảm còn 22,8 tỷ USD, giảm 29,7%. Đáng lưu ý, năm 2017, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc rất cao, lên tới 61,5%, trong khi tốc độ tăng trưởng nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ ở mức hơn 16%.

Riêng quý I/2018, nhập siêu từ Trung Quốc tiếp tục giảm 15,5% so với cùng kỳ năm 2017. Đặc biệt, ngay trong những tháng đầu năm nay, Việt Nam đã có trên 10 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên.

Với tốc độ tăng trưởng những năm gần đây, dự báo năm 2018, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc sẽ chạm mốc 100 tỷ USD và Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên của Việt Nam lập được kỷ lục này.

Một số mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc có tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước có thể kể đến như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính và linh kiện, hàng rau quả…

Ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu từ Trung Quốc 58,2 tỷ USD, chủ yếu là các mặt hàng máy móc, thiết bị, phụ tùng, vải, sợi, bông, sắt thép, điện tử và linh kiện, phân bón và hóa chất...

Theo ông PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương), Việt Nam giảm nhập siêu từ thị trường Trung Quốc sẽ giúp chi phí xuất khẩu rẻ hơn so với các thị trường khác nhưng do doanh nghiệp chủ yếu vẫn xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch nên dễ bị thương lái qua mặt.

Lý giải thêm về vấn đề này, ông Phạm Tất Thắng cho hay: Với thói quen làm ăn buôn bán trao tay nên khi doanh nghiệp Việt Nam ít hàng thì thương lái đẩy giá lên cao và ngược lại, khi nguồn cung dồi dào thì lại bị thương lái ép giá.

Đánh giá từ giới phân tích cũng cho thấy, dù là một thị trường lớn, tiềm năng song Trung Quốc không phải là thị trường ổn định và ẩn chứa nhiều bất trắc khó lường. Chẳng hạn, trong thanh toán và giao dịch, doanh nghiệp Trung Quốc thường không sử dụng phương thức thanh toán ký quỹ giữa người bán và người mua (phương thức L/C) như các thị trường khác.

Hơn nữa, loại tiền dùng thanh toán cũng khá đa đạng song phía doanh nghiệp Trung Quốc thường yêu cầu trả bằng Nhân dân tệ hoặc VND, trong khi doanh nghiệp Việt Nam lại muốn thanh toán bằng USD để hạn chế rủi ro về tỷ giá.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chỉ đặt cọc khoảng 30% giá trị hợp đồng nhất là với mặt hàng thủy sản. Do đó, nếu phía đối tác không nhận hàng thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị thiệt hại rất lớn.

Cũng theo các chuyên gia, với nhiều cửa khẩu và đường mòn lối mở, việc kiểm soát thương mại xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu chính - phụ, lối mở này đang là thách thức đối với các cơ quan quản lý để làm lành mạnh hóa hoạt động thương mại với thị trường quan trọng này.

Đặc biệt, hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam khá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nên nếu có những thay đổi như điều chỉnh chính sách thương mại hoặc áp dụng các biện pháp bảo hộ hàng xuất khẩu trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất nhập khẩu cụ thể nào đó thì sẽ gặp nhiều khó khăn đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất.

Nâng chất sản phẩm

Để đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường tiềm năng này, các chuyên gia cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi cho việc cấp chứng nhận xuất xứ, thủ tục hải quan và những quy trình có liên quan.

Hơn nữa, cần thông tin và hướng dẫn về kỹ thuật thường xuyên cho các doanh nghiệp xuất khẩu để có thể hưởng lợi tối đa từ các FTA như: Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định thương mại tự do ASEAN - Hồng Kông (Trung Quốc) (AHKFTA).

Mặt khác, triển khai cụ thể các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu về thông tin thị trường, về vốn, tỷ giá; hoàn thiện cơ chế quản lý xuất nhập khẩu nói chung và tiểu ngạch nói riêng, kiểm soát ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua các tỉnh biên giới, đồng thời đẩy mạnh xuất khẩu hướng chính ngạch để xuất khẩu bền vững.

Tuy nhiên, bên cạnh những hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp cần nâng cao tính chủ động trong hoạt động giao thương cũng như cập nhật thông tin thị trường, quy định mới về chất lượng sản phẩm và thị hiếu người tiêu dùng đối với từng địa phương Trung Quốc.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm, tập trung vào giá cả, chất lượng, chủng loại; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đặc biệt chú trọng đến bản quyền, thương hiệu sản phẩm trong nước (cần được đăng ký), đặc biệt với những hàng hóa truyền thống đã có tên tuổi. Mặt khác hạn chế việc kinh doanh chênh lệch giá từ những thương lái Trung Quốc theo đường tiểu ngạch không chính thức...

Về phía Bộ Công Thương, tới đây sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin cho hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp và các chủ thể hoạt động xuất nhập khẩu với thị trường Trung Quốc về nội dung cam kết trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc (ACFTA), WTO và các hiệp định, thỏa thuận thương mại song phương giữa hai nước.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng cung cấp thông tin kịp thời về thị trường, hàng hóa, thương nhân... để doanh nghiệp Việt Nam chủ động đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục