Giảm ngân sách của USAID, liệu chính quyền Mỹ có thiếu quan tâm đến Mỹ Latinh? (Phần 2)

06:30' - 24/11/2017
BNEWS Việc cắt giảm viện trợ của USAID không hẳn là sự thoái lui của Mỹ tại Mỹ Latinh, mà những nguồn lực đó vẫn tiếp tục đổ vào khu vực này nhưng thông qua vai trò lớn hơn của các thành phần khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington, DC ngày 21/3/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Từ ngày 1/10 vừa qua, Mỹ bước vào năm tài khóa 2018 (10/2017-9/2018) và trong chu kỳ này, dự kiến USAID sẽ chỉ được cấp 60% ngân sách so với năm tài khóa 2017 trước đó.

Từ góc độ này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất những ưu tiên của USAID là chính sách đối ngoại và địa chiến lược, gạt sang một bên việc hỗ trợ phát triển – trừ khi nó được định hướng theo chính sách an ninh quốc gia của Mỹ.
Do chưa có số liệu của năm tài khóa 2017 (10/2016-9/2017) về tổng ngân sách mà Mỹ dành cho khu vực Mỹ Latinh và Caribe, nên các tính toán liên quan tới viện trợ sẽ dựa trên những số liệu của năm 2016.
Theo phân bổ ngân sách viện trợ chính thức, trong số 251 triệu USD dành cho Colombia – nước được coi là đồng minh thân cận nhất của Washington tại Mỹ Latinh – đã có tới 189 triệu USD dành cho các chương trình hòa bình và an ninh, 44 triệu USD dành cho hạng mục dân chủ, nhân quyền và cai trị, 12 triệu USD dành cho giáo dục và dịch vụ xã hội và 4 triệu dành cho môi trường.
Sự phân bổ này nằm trong khuôn khổ thay đổi từ Kế hoạch Colombia (bắt đầu từ năm 1999, từng tiêu tốn hàng tỷ USD của Washington nhằm thanh toán nạn buôn bán ma túy và tiêu diệt các nhóm du kích vũ trang tả khuynh bằng con đường quân sự - cả hai mục tiêu mà cuối cùng Washington và Bogota đều không đạt được) sang Kế hoạch Hòa bình Colombia, cho dù dường như vẫn tập trung vào vấn đề an ninh hơn là các cơ hội phát triển và tái hòa hợp cơ cấu xã hội của quốc gia Nam Mỹ này.
Đối với Mexico – cửa ngõ phía Nam của mình, Mỹ dự định viện trợ 87 triệu USD trong năm tài khóa này, trong đó khoảng 48 triệu USD dành cho an ninh và hòa bình, 39 triệu USD cho dân chủ, nhân quyền và cai trị.
Cũng giống như trường hợp Colombia, tiêu điểm “viện trợ phát triển” của Washington vẫn tiếp tục tập trung vào an ninh, trong bối cảnh xu hướng quân sự hóa, bạo lực, nghèo đói và vi phạm nhân quyền đang làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chính trị - thể chế tại quốc gia Mỹ Latinh duy nhất tại Bắc Mỹ này.
Tam giác Bắc Trung Mỹ (Guatemala, Honduras và El Salvador)
Ba nước trong khu vực này được Mỹ phân bổ ngân sách viện trợ cụ thể theo hạng mục như sau:
+ Guatemala: 80 triệu USD; trong đó hòa bình và an ninh – 1,5 triệu; dân chủ, nhân quyền và cai trị - 26,65 triệu USD; phát triển kinh tế - 16 triệu USD; đa lĩnh vực – 21,5 triệu USD.
+ El Salvador: 46 triệu USD; được phân chia thành đa lĩnh vực -18,45 triệu USD; dân chủ, nhân quyền và cai trị – 14,7 triệu USD; phát triển kinh tế - 6,9 triệu USD; giáo dục và dịch vụ xã hội – 5,43 triệu USD.
+ Honduras: 67, 85 triệu USD; bao gồm dân chủ, nhân quyền và cai trị - 26,6 triệu USD; phát triển kinh tế - 15 triệu USD; giáo dục và dịch vụ xã hội - 13 triệu USD; môi trường – 4 triệu USD.
Trong trường hợp của các nước Trung Mỹ, mức viện trợ trong thập kỷ qua đã được nâng lên ngang mức của các nước tiếp nhận lớn nhất trước đây là Mexico và Colombia, yếu tố này có ý nghĩa nếu xét tới việc CARSI vốn chỉ là sự “mở rộng” của các kế hoạch viện trợ phát triển và an ninh tại hai đồng minh then chốt trên. Có thể cảm nhận rằng hạng mục “dân chủ, nhân quyền và cai trị”, cùng một hạng mục mập mờ mang tên “đa lĩnh vực”; chiếm vai trò khống chế trong các dự án viện trợ.
Việc nhận diện các thể chế địa phương, các doanh nghiệp và tổ chức thuộc thành phần thứ ba nào được USAID “chọn mặt gửi vàng” là rất quan trọng để hiểu được chính quyền của Tổng thống Trump diễn giải dân chủ, nhân quyền và cai trị theo nghĩa nào.
Như đã nói từ phần đầu, viện trợ phát triển của Mỹ tại Mỹ Latinh luôn định hướng rất rõ ràng trong lĩnh vực chính trị và an ninh (quá trình can thiệp và gây bất ổn), cũng như trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp và quỹ đầu tư của Mỹ, nhiều hơn so với việc hướng tới tái thiết cơ cấu xã hội và cải thiện điều kiện sống của nhân dân các nước được thụ hưởng.
Tóm lại, việc cắt giảm viện trợ song phương không hẳn là do thiếu quan tâm hay sự thoái lui của Mỹ tại Mỹ Latinh, mà những nguồn lực đó vẫn tiếp tục đổ vào khu vực này nhưng thông qua vai trò lớn hơn của thành phần tư nhân (doanh nghiệp, quỹ đầu tư, tổ chức doanh nghiệp và thậm chí là các tổ chức phi chính phủ), cũng như qua các thể chế tài chính quốc tế và khu vực (một hình thức “thứ cấp hóa” viện trợ phát triển).
Điều này cũng không đồng nghĩa với sự vắng mặt của chính quyền Washington tại khu vực vốn được coi là “sân sau của Mỹ”, vì Chính phủ Mỹ vẫn duy trì vai trò nhà bảo trợ cho các hoạt động của doanh nghiệp tư nhân Mỹ tại đây.
Trước bối cảnh này, cần phải rất chú ý tới các hoạt động đầu tư, cấp kinh phí và các lĩnh vực viện trợ “phi truyền thống” nơi các cơ quan khác của Mỹ vận hành như Tổng công ty đầu tư tư nhân nước ngoài (Overseas Private Investment Corporation - OPIC), Ngân hàng Xuất nhập khẩu (EximBank) và cả các doanh nghiệp tư nhân, những đơn vị sẽ thay thế một phần vai trò điều phối nguồn lực của USAID.
Tương tự, cũng rất đáng chú ý tới bộ mặt mới của USAID trước những quan điểm mới về an ninh quốc gia và an ninh Tây Bán Cầu mà chính phủ hiện tại của Mỹ áp đặt, hiện đang mang “phong cách ngẫu hứng”, với nhiều mâu thuẫn giữa các quan chức và các cơ quan trực thuộc chính phủ trong việc ra quyết định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục