Gỡ "nút thắt" để chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp

17:08' - 27/06/2017
BNEWS Còn không ít nút thắt khiến cho các hộ kinh doanh dù đã phát triển tới một quy mô tương đối nhưng vẫn không muốn chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
Gỡ "nút thắt" để chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Tại hội thảo “Chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiêp: Thực trạng và các giải pháp hỗ trợ” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức ngày 27/6 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế và đại diện lãnh đạo các bộ, ban ngành đều cho rằng, còn không ít nút thắt khiến cho các hộ kinh doanh dù đã phát triển tới một quy mô tương đối nhưng vẫn không muốn chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
Đại diện VCCI nhận định, nhiều năm qua, các hộ kinh doanh ngày càng tăng trưởng về số lượng, đóng góp to lớn vào việc tạo công ăn việc làm và cung cấp các dịch vụ cho nền kinh tế.

Vai trò quan trọng của khu vực kinh tế này cũng ngày càng được Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành và xã hội đánh giá cao, đặc biệt đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Vì vậy, trong những năm qua Chính Phủ đã có những chính sách khuyến khích hộ kinh doanh đủ điều kiện chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, để với mô hình doanh nghiệp thì khi hoạt động sẽ càng phát triển mạnh hơn. Nhất là Nghị quyết 35/2016/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tới năm 2020 đã thực hiện 1 năm và dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ vừa được Quốc hội thông qua mới đây.
Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, mặc dù việc thay đổi, chuyển đổi hoạt động của hộ kinh doanh, doanh nghiệp là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả là phải đảm bảo hoạt động của họ một cách hiệu quả.

Do đó, cần phải cải thiện môi trường kinh doanh và có những nỗ lực thúc đẩy, tạo điều kiện khuyến khích các hộ kinh doanh phát triển và để họ thấy cần thiết và chủ động trong việc chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.
“Muốn chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, thì nên dùng các đòn bẩy "kinh tế" hơn là "mệnh lệnh hành chính", tạo môi trường kinh doanh đơn giản, hợp lý và phù hợp với quy mô và tính chất kinh doanh. Điều quan trọng nhất là chính nhà đầu tư phải thấy được "lợi ích" lớn hơn "chi phí" khi họ thành lập doanh nghiệp”, ông Hiếu nói.
Nêu một số khó khăn của các hộ kinh doanh trong quá trình chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp, đại diện Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, do ngại các thủ tục hành chính; do phải thay đổi tên hiệu doanh nghiệp khi chuyển đổi (nhiều trường hợp ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh nếu phải đổi sang tên hiệu khác); thêm nữa, khi chuyển đổi lên doanh nghiệp chưa quen với mô hình tổ chức mới do quen với mô hình hộ kinh doanh. Ngoài ra, phải tổ chức bộ máy, phát sinh thêm các chi phí quản lý vì phải thực hiện sổ sách kế toán và thực hiện nộp thuế theo kê khai ...
Để tháo nút thắt và giúp các doanh nghiệp bớt ngại ngần khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Tổng cục Thuế cũng đề xuất một số giải pháp như: miễn lệ phí môn bài trong thời hạn 3 năm đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa khi chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Hay như, hỗ trợ thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm phát triển sản xuất kinh doanh, sao cho phù hợp với nguyên tắc được quy định tại Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đồng thời cân đối với khả năng hỗ trợ của ngân sách Nhà nước trong từng thời kỳ.
Khi tất cả các doanh nghiệp, hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử, hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế thì các thủ tục về hóa đơn như hiện nay sẽ bị bãi bỏ. Nếu điều này có thể được thực hiện thì nó sẽ góp phần to lớn vào việc khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Phó Giám đốc Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho rằng, nếu đáp ứng các điều kiện dưới đây, việc chuyển đổi mô hình từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ khá thuận lợi.

Đó là, trước khi thành lập doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã đăng ký và hoạt động theo quy định của pháp luật. Hộ kinh doanh có hoạt động sản xuất, kinh doanh liên tục tối thiểu 1 năm tính đến ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.

Doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh sẽ kế thừa toàn bộ quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật…
Từ góc độ ngân hàng, đại diện BIDV cho rằng, trước xu hướng chuyển đổi mô hình hộ kinh doanh lên doanh nghiệp, BIDV luôn xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong những đối tượng ưu tiên trong cơ chế chính sách, được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ ngân hàng.
Hiện BIDV đã thực hiện hàng loạt chương trình tín dụng tới nhóm đối tượng này như Chương trình tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ; Chương trình tín dụng hỗ trợ sản xuất kinh doanh, tài trợ chuỗi giá trị, chương trình cho vay ủy thác của Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ; Chương trình cho vay dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững; Chương trình tài trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa bằng nguồn vốn JICA cùng nhiều giải pháp tài chính, và chính sách về lãi suất…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục