Hiệu quả từ chính sách mới nhất của ECB bị hoài nghi

21:15' - 13/03/2016
BNEWS Các nhà phân tích cảnh báo nỗ lực dài hơi nhằm ngăn chặn giảm phát và phục hồi nền kinh tế Eurozone còn lâu mới kết thúc dù ECB đã tung ra các biện pháp kích thích chưa có tiền lệ.
Các nhà phân tích cảnh báo nỗ lực dài hơi nhằm ngăn chặn giảm phát và phục hồi nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) còn lâu mới kết thúc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tung ra các biện pháp kích thích chưa có tiền lệ. 
Quy mô của các biện pháp kích thích mà ECB thông báo sau cuộc họp vào tuần trước đã gây bất ngờ cho các thị trường tài chính. ECB thông báo giảm lãi suất tái cấp vốn từ 0,05% xuống 0% và lãi tiền gửi ngân hàng từ âm 0,3% xuống âm 0,4%, đồng thời tăng quy mô mua trái phiếu lên hơn 1,7 nghìn tỷ euro (1,9 nghìn tỷ USD) từ mức 1,1 nghìn tỷ euro và mua trái phiếu doanh nghiệp dạng đầu tư lần đầu tiên. 
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng tác động cuối cùng của các biện pháp kích thích trên đến nền kinh tế vẫn là một ẩn số, khi lạm phát tại Eurozone thấp và tăng trưởng kinh tế ở gần như toàn khu vực là èo uột bất chấp những nỗ lực trước đó của ECB. 
Theo nhà kinh tế trưởng Ludovic Subran của tập đoàn bảo hiểm tín dụng Euler Hermes, những nỗ lực của ECB đã không thực sự hiệu quả. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's thì cho rằng, dựa vào tính hiệu quả của những chính sách trước đây, chính sách mới nhất của ECB có thể có một tác động hạn chế, ngoài việc cho thấy sự sẵn sàng hành động. Theo Moody's, trong khi hạ chi phí tài chính của các ngân hàng, các biện pháp mới sẽ không thể thúc đẩy hoạt động cho vay, bởi thanh khoản không phải là trở ngại chính của nhiều ngân hàng. 
Trong khi đó, nhà phân tích Jonathan Loynes thuộc Capital Economics cho rằng ECB không thể đơn độc nỗ lực mà đạt được mục tiêu. Ông cho biết, hãng nghiên cứu này từ lâu đã cảnh báo chính sách tiền tệ không thể giải quyết mọi vấn đề sâu xa mà liên minh tiền tệ của khu vực đang đối mặt như tình trạng thiếu khả năng cạnh tranh của các nước ngoại vi và tăng trưởng yếu của các nước vũng lõi. Jan Randolph, Giám đốc phụ trách hoạt động đánh giá rủi ro nợ công ở IHS cho rằng nhiều nước ở Eurozone bị hạn chế trong khả năng thúc đẩy hoạt động kinh tế thông qua chi tiêu bởi nhà đầu tư nước ngoài dè chừng trước nguy cơ mất kiểm soát thâm hụt ngân sách ở các nước này. Theo ông, các chính phủ phải nỗ lực cải cách cơ cấu hơn nữa để tăng tiềm năng tăng trưởng. 
Tuy nhiên, nhà kinh tế Mark Wall của Deutsche Bank hoan nghênh gói kích thích mới của ECB, với nỗ lực hạ lãi suất cho vay và mua trực tiếp trái phiếu doanh nghiệp, và cho rằng gói này chủ yếu nhằm ngăn chặn nguy cơ các quy định cho vay bị thắt chặt, làm ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục