Hiệu quả từ chương trình Hỗ trợ nông dân trồng Thanh long: Bài 2: Hiệu quả thiết thực

08:20' - 12/04/2017
BNEWS Chương trình sau 3 năm triển khai được đánh giá ngoài hiệu quả tiết kiệm điện, góp phần cung ứng điện đủ và ổn định trên địa bàn trồng cây Thanh long,

No Title

Chương trình giúp cho các hộ nông dân trồng Thanh long giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc EVN SPC cho biết, mục đích của Chương trình hỗ trợ nông dân trồng Thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện trước tiên là thúc đẩy việc sử dụng đèn compact trong khu vực trồng Thanh long. Từ đó, chuyển đổi cơ cấu chủng loại đèn từ đèn sợi đốt sang sử dụng đèn tiết kiệm điện, giảm tỷ trọng và tiến đến xóa bỏ đèn sợi đốt sử dụng chong Thanh long, góp phần đưa Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vào cuộc sống.

Bên cạnh đó, thực hiện Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức trong cộng đồng về lợi ích tiết kiệm năng lượng qua sử dụng thiết bị điện hiệu suất cao trong sản xuất và tiêu dùng. Đồng thời giúp cho các hộ nông dân trồng Thanh long giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp.

Mặt khác, Chương trình còn đạt được yêu cầu về cắt giảm công suất hệ thống điện, chống quá tải cục bộ gây mất điện phụ tải, giảm áp lực về đầu tư trong cung cấp điện ở những khu vực trồng Thanh long.

Ngay sau khi EVN tổ chức Lễ Phát động Chương trình hỗ trợ nông dân trồng Thanh long thay đèn sợi đốt bằng đèn compact tiết kiệm điện, EVN SPC đã xây dựng Quy trình phối hợp và chính sách hỗ trợ cho các đoàn thể, hội tham gia quảng bá, đổi đèn theo Chương trình tại 3 tỉnh Bình Thuận, Long An và Tiền Giang.

Theo đó, ngành điện hỗ trợ quảng bá Chương trình, hỗ trợ nhân công thay đèn, thu hồi đèn sợi đốt của nông dân…. Nhà cung cấp thì giảm giá đèn 10% so với giá thị trường. Giá bán đèn compact triển khai trong Chương trình theo 2 hình thức: Trả tiền ngay khi mua đèn với giá 29.280 đồng/bóng đèn và Trả chậm với giá 30.500 đồng/bóng đèn.

Triển khai Chương trình, đã có 2.323 hộ nông dân tham gia với tổng số đèn được đổi là hơn 2 triệu bóng compact của các nhà cung cấp Rạng Đông và Điện Quang. Trong đó, số lượng hộ tham gia nhiều nhất là ở Bình Thuận với 1.571 hộ, tiếp đến Tiền Giang có 532 hộ và Long An có 220 hộ tham gia. Tổng chi phí hỗ trợ Chương trình là gần 17,6 tỷ đồng.

Đánh giá về hiệu quả kinh tế đối với hộ trồng Thanh long khi thực hiện Chương trình, ông Nguyễn Văn Hợp, Tổng Giám đốc EVN SPC cho rằng, s o sánh lợi ích tiết kiệm điện giữa đèn tròn sợi đốt và đèn compact theo tính năng và công suất (tính giá điện là 1.518 đồng/kWh).

Số liệu tiết kiệm điện trong 1 năm khi sử dụng đèn compact so với đèn sợi đốt với số lượng hơn 2 triệu đèn đổi từ Chương trình thì các hộ nông dân sẽ tiết kiệm điện được 54.523 MWh/năm, tương ứng với giá trị tiết kiệm tiền điện là hơn 82 tỷ đồng/năm.

Tính trong 4 năm sử dụng, sản lượng điện các hộ nông dân tiết kiệm tương ứng với số tiền điện tiết kiệm là 330 tỷ đồng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Nếu tính tiết kiệm tiền điện theo tuổi thọ của bóng đèn (4.000 giờ) với số lượng trên thì sản lượng điện tiết kiệm là 330 GWh, tương ứng với giá trị tiền điện tiết kiệm được là 500 tỷ đồng.

Còn nếu tính trong 4 năm sử dụng, sản lượng điện các hộ nông dân tiết kiệm khi thực hiện Chương trình là 218 GWh, ứng với số tiền điện tiết kiệm là 330 tỷ đồng.

Đối với ngành điện, công suất đỉnh của hệ thống điện giảm 56 MW, góp phần đảm bảo cung cấp điện cho các tỉnh. Đồng thời tiết kiệm vốn đầu tư nguồn và lưới điện, tạo cơ hội để đầu tư các công trình cấp bách khác.

Tính toán của EVN SPC cũng cho thấy, nếu tính giá trị đầu tư bình quân 1,2 triệu USD/1 MW, tương đương 26,5 tỷ đồng thì giảm áp lực đầu tư hoặc giãn tiến độ đầu tư công trình điện với giá trị tương đương 67 triệu USD (khoảng 1.475 tỷ đồng). Tính riêng do giãn tiến độ đầu tư trạm 110 kV và đường dây 22 kV thì giá trị tiết kiệm do giảm đầu tư là 5 tỷ đồng/năm .

Bên cạnh đó, Chương trình còn giúp cắt giảm hơn 200.000 tấn CO 2 , góp phần bảo vệ môi trường . Ngoài ra, Chương trình cũng giúp nâng cao nhận thức cộng đồng và xã hội trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Không những thế, còn giúp tạo hiệu ứng cạnh tranh, tạo động lực giảm giá thị trường đèn compact tiết kiệm điện.

Để Chương trình tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Tổng Giám đốc EVN SPC đề xuất Chính phủ và các Bộ ngành có cơ chế hỗ trợ chi phí cho nông dân tại các địa phương trồng Thanh long đổi và duy trì sử dụng đèn tiết kiệm điện dùng chong Thanh long vụ nghịch mùa. Đồng thời, có lộ trình ngừng sản xuất, lưu hành và sử dụng đèn sợi đốt có công suất lớn để việc tuyên truyền, vận động nông dân trồng Thanh long sử dụng đèn tiết kiệm điện có hiệu quả, hình thành thói quen sản xuất và tiêu dùng bền vững trong toàn xã hội.

Đối với UBND các tỉnh đang phát triển diện tích canh tác Thanh long, EVN SPC kiến nghị tiếp tục quan tâm chỉ đạo các đơn vị truyền thông tại địa phương quảng bá kết quả từ Chương trình đến với các hộ nông dân trồng Thanh long trên địa bàn. Đồng thời duy trì việc ngừng sử dụng đèn sợi đốt và chuyển sang sử dụng đèn compact tiết kiệm điện để kích thích ra hoa cho cây Thanh long tại các khu vực đã được quy hoạch phát triển loại cây trồng này./.

>>>Hiệu quả từ chương trình Hỗ trợ nông dân trồng Thanh long: Bài 1: Mục tiêu tiết kiệm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục