Thách thức đối với mô hình kinh tế Đức

05:30' - 19/04/2025
BNEWS Tổng thống Trump đã không ngần ngại mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ, nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua chính sách thuế quan mạnh mẽ.

 

Theo tổ hợp truyền thông Deutsche Welle, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố danh sách các quốc gia bị áp thuế đối ứng đã làm rung chuyển trật tự thương mại toàn cầu vốn dựa trên luật lệ, buộc nền kinh tế định hướng xuất khẩu như Đức phải loay hoay tìm đường thích ứng.

Chủ nghĩa bảo hộ thương mại không phải là điều xa lạ trong lịch sử, ngay cả ở nước Đức hướng tới xuất khẩu, nơi mà vào thế kỷ 19, Thủ tướng Otto von Bismarck khi đó đã cố gắng áp dụng thuế bảo hộ đối với lúa mỳ nhập khẩu.

Được thúc đẩy bởi nhóm nông dân mạnh mẽ trong Quốc hội, chính sách thuế quan của Thủ tướng Bismarck nhằm mục đích hạn chế lượng nhập khẩu lúa mỳ giá rẻ ngày càng tăng từ các nước châu Âu khác — một mục tiêu cuối cùng đã thất bại.

Tổng thống Trump vốn nổi tiếng với quan điểm rất riêng về lịch sử, nên ông đã không ngần ngại mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa bảo hộ, nhằm bảo vệ nền kinh tế lớn nhất thế giới thông qua chính sách thuế quan mạnh mẽ.

 

Nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ING của Hà Lan, Carsten Brzeski, cho biết: "Hầu hết các nền kinh tế phương Tây trở nên thịnh vượng như bây giờ một phần lớn là nhờ thương mại tự do. Giờ đây, điều đó đang bị đảo ngược và sẽ mất nhiều thời gian để có được sự cân bằng mới".

* Không nên phản ứng theo bản năng

Chuyên gia kinh tế Brzeski tin rằng sẽ không khôn ngoan nếu ngay lập tức đáp trả chính sách của Tổng thống Trump bằng thuế trả đũa, nhất là trong bối cảnh hơn một tuần sau khi Tổng thống Mỹ tuyên bố áp thuế “có đi có lại”, như cách ông gọi là “Ngày Giải phóng”, thì Mỹ vẫn chưa đưa ra chiến lược cụ thể.

Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) đã thử nghiệm, đe dọa áp thuế quan trả đũa lên một số mặt hàng cụ thể, ví dụ như đối với xe máy và rượu whisky bourbon của Mỹ. Nhưng rượu bourbon đã được gỡ khỏi danh sách sau khi Mỹ ám chỉ rằng rượu vang của Pháp và Italy có thể là mục tiêu tiếp theo.

Xem xét kỹ hơn danh sách thuế quan “có đi có lại” sẽ thấy ông Trump thực sự nhắm đến mục tiêu nào. Chính các quốc gia đang có thặng dư thương mại lớn và "không công bằng" với Mỹ đang khiến Tổng thống Trump tức giận. 

EU, khối gồm 27 nước thành viên, nhìn chung không phải là mục tiêu chính của ông Trump, mà là Trung Quốc — đối thủ cạnh tranh mạnh nhất của Mỹ cho danh hiệu nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cường quốc kinh tế châu Á giờ đây phải chịu mức thuế lớn nhất, mức cao đáng kinh ngạc 245% đối với hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ.

* EU đang chờ Đức dẫn đầu cuộc trả đũa

Mặc dù vậy, các nhà kinh tế Marc Schattenberg và Robin Winkler ở Viện nghiên cứu của Deutsche Bank cho rằng Đức sẽ không thể thoát khỏi thuế quan.

Các nhà kinh tế này cho rằng cú sốc thuế quan "làm tăng áp lực lên chính phủ liên bang mới ở Đức trong nỗ lực bảo vệ khả năng cạnh tranh của nền kinh tế đầu tàu châu Âu, trong bối cảnh toàn cầu ngày càng thách thức".

Nhận định này càng làm trầm trọng thêm tình thế tiến thoái lưỡng nan chính trị hiện tại của Đức. Sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng Hai, Thủ tướng mới của Đức vẫn chưa được bầu và nội các mới vẫn đang chờ được bổ nhiệm.

Với việc Đức vẫn còn trong tình trạng bế tắc chính trị thêm một thời gian nữa, EU không còn tiếng nói mạnh mẽ từ nền kinh tế lớn nhất châu Âu. May mắn thay, Ủy ban châu Âu (EC) đã đồng ý không hành động vội vàng mà thay vào đó là theo đuổi đàm phán.

Nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của Đức sẽ phải chịu nhiều tổn thất từ cuộc chiến thương mại giữa chính quyền Tổng thống Trump và phần lớn các nước khác trên thế giới, vì các ngành công nghiệp như ô tô, hóa chất, máy móc và dược phẩm của Đức hiện diện mạnh mẽ trên thị trường Mỹ.

Ông Brzeski lập luận rằng nếu nhìn thoáng qua, việc mất thị phần tại Mỹ "có vẻ không đáng kể" vì chỉ có khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU gắn với xuất khẩu sang Mỹ. Nhưng ở Đức, "hàng trăm nghìn việc làm" phụ thuộc vào xuất khẩu sang Mỹ.

Hơn nữa, nếu ông Trump thành công trong việc đẩy các nhà cung cấp Trung Quốc ra khỏi thị trường Mỹ, các doanh nghiệp nước này có thể bị buộc phải chuyển lượng hàng hóa khổng lồ của mình sang thị trường châu Âu, làm suy yếu toàn bộ các ngành công nghiệp tại đây.

* Không ai hưởng lợi trong chiến tranh thương mại

Chuyên gia Brzeski của ngân hàng ING cho rằng, "theo thời gian", các doanh nghiệp Đức tập trung vào thị trường trong nước có thể thu được một số lợi ích từ sự thay đổi mô hình thương mại. Nhưng ngay cả những doanh nghiệp đó cũng sẽ không thoát khỏi vòng xoáy, ông nói thêm, vì sự gián đoạn trong các ngành xuất khẩu chắc chắn sẽ lan rộng ra toàn bộ nền kinh tế.

Còn việc di dời các hoạt động của Đức sang bên kia Đại Tây Dương - một mục tiêu chính trong chính sách thương mại của Tổng thống Trump - thì sao?

"Trong những năm cuối của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), nhiều công ty châu Âu đã cân nhắc di dời sang Mỹ", chuyên gia Brzeski cho biết, vì việc bãi bỏ quy định, giá năng lượng thấp hơn và cắt giảm thuế khiến thị trường Mỹ "hấp dẫn hơn".

Nhưng hiện tại, các chính sách kinh tế của Tổng thống Trump đã tạo ra "những nghi ngại lớn về tính chắc chắn pháp lý và rất ít nhà lãnh đạo doanh nghiệp vội vàng chuyển đến đó".

Khi châu Âu đang loay hoay tìm câu trả lời phù hợp với chính sách thuế quan mở rộng của Mỹ, các nhà hoạch định chính sách đang cân nhắc đánh thuế kỹ thuật số đối với các tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ.

Nhưng Giám đốc điều hành của Hiệp hội ngành kỹ thuật số Bitkom của Đức, Fabian Zacharias, cảnh báo không nên sử dụng cái được gọi là "lựa chọn hạt nhân" của châu Âu trong cuộc chiến thương mại.

"Áp dụng thuế kỹ thuật số của châu Âu sẽ là phản ứng tệ nhất có thể. Cố gắng giải quyết vấn đề chính sách thương mại bằng việc áp thêm một loại thuế mới là hoàn toàn sai lầm", ông Zacharias chia sẻ với Redaktionsnetzwerk Deutschland — phòng tin tức chung của tập đoàn truyền thông Madsack Media Group. Thay vào đó, ông ủng hộ "giảm leo thang trung hạn".

Chuyên gia Gabriel Felbermayr, nhà lãnh đạo Viện nghiên cứu kinh tế Áo (Wifo) đề xuất một phương án khác. Vì EU có thể áp thuế xuất khẩu đối với hàng hóa rời khỏi lãnh thổ hải quan của mình, nên công cụ này có thể được sử dụng để đánh thuế hàng hóa mà Mỹ phải lấy nguồn từ châu Âu.

Ông Felbermayr nói với DW rằng có thể nhắm tới máy móc công nghệ cao để sản xuất chất bán dẫn, hiện được sản xuất gần như độc quyền tại châu Âu bởi công ty ASML của Hà Lan. Thuế xuất khẩu cao đối với những máy móc đó sẽ khiến các công ty Mỹ phải trả giá đắt và có khả năng buộc Chính phủ Mỹ phải thỏa hiệp.

Tuy nhiên, chuyên gia Brzeski không thấy thuyết phục bởi giải pháp thuế xuất khẩu đối với những hàng hóa như vậy. "Sẽ tốt hơn nếu các nhà hoạch định chính sách EU tập trung mọi nỗ lực vào đầu tư, cải cách cơ cấu, giảm bớt bộ máy quan liêu và hội nhập sâu hơn trong thị trường vốn và liên minh quốc phòng", ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng những cải cách như vậy có thể đạt được "nhiều hơn là một danh sách dài các mức thuế trả đũa".

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục