Hoàn thành vượt kế hoạch lấy nước đổ ải vụ Đông Xuân

12:32' - 11/02/2017
BNEWS Đến hôm nay (11/2), 3 đợt lấy nước đổ ải cho khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2016-2017 đã hoàn thành.

Bình quân tỷ lệ diện tích đã có nước đạt cao, tuy nhiên vẫn có một số vùng đặc biệt, tỷ lệ diện tích lấy nước đạt thấp. Để tìm hiểu rõ hơn về tình hình lấy nước, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý công trình thủy lợi và An toàn đập, Tổng cục Thủy lợi. Ảnh: Bích Hồng/BNEWS/TTXVN

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết về tình hình lấy nước phục vụ gieo cấy lúa Đông Xuân 2016-2017 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 8 giờ ngày 11/2, diện tích có nước toàn vùng là 588.317ha, đạt bình quân gần 95% kế hoạch. Trong đó, ngoại trừ tỉnh Bắc Giang, địa phương có tỷ lệ diện tích có nước thấp nhất là thành phố Hà Nội, đạt khoảng 90%. Một số tỉnh trước đây thường khó khăn về lấy nước đến thời điểm này cũng đã đạt kết quả cao như: Vĩnh Phúc (97%), Bắc Ninh (96%).

Các điểm thường xuyên gặp khó khăn về nguồn nước, phụ thuộc vào dòng chảy sông Hồng, đang có diện tích đủ nước thấp hơn trung bình của địa phương chủ yếu ở Thành phố Hà Nội gồm: Thạch Thất 74%; Phúc Thọ 78%.

Do tiến độ lấy nước chung của toàn vùng đạt tương đối cao, để tiết kiệm nguồn nước xả từ các hồ chứa thủy điện, Tổng cục Thủy lợi đã có Công điện số 05/CĐ-TCTL-QLCT ngày 10/2/2017 về việc rút ngắn thời gian lấy nước đợt 3. Đợt 3 lấy nước đã kết thúc lúc 24h ngày 10/2. Sau đó, dòng chảy Sông Hồng sẽ duy trì ít nhất ở mức khoảng + 3,5 m tại trạm Thủy văn Sơn Tây, tức ở Hà Nội khoảng +1,5-1,7m để các trạm bơm dã chiến tiếp tục vận hành lấy nước. Đến khoảng 18h ngày 11/2, mực nước sẽ vẫn đảm bảo để các trạm bơm đầu mối chính hoạt động, đảm bảo cấp đủ nước cho tất cả các diện tích gieo trồng.

PV: Theo trên hệ thống theo dõi thông tin trực tuyến của Tổng cục Thủy lợi, Bắc Giang là địa phương vẫn có tỷ lệ diện tích lấy nước đạt rất thấp, lý do vì sao lại như vậy?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Diện tích gieo cấy của tỉnh Bắc Giang lấy nước có ảnh hưởng bởi các đợt xả từ hệ thống các hồ thủy điện chỉ khoảng 10.000 ha trên tổng số trên 52.000 ha. Phần còn lại được cấp nước từ sông, suối nội địa và hệ thống hồ chứa. Đến nay, khoảng 10.000 ha được lấy nước từ hệ thống công trình thủy lợi có ảnh hưởng bởi các đợt xả từ các hệ thống hồ thủy điện đã hoàn thành.

PV: Tổng cục Thủy lợi và các địa phương đã có kế hoạch như thế nào đối với những diện tích chưa có nước, khi đã kết thúc 3 đợt lấy nước?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Đối với một số khu vực khó khăn về nước, Tổng cục Thủy lợi và các địa phương đã lên phương án cụ thể để bảo đảm cấp đủ nước phục vụ gieo cấy. Cụ thể, khoảng 1.500 ha thuộc các huyện Phúc Thọ, Thạch Thất (Hà Nội) sẽ cấp nước bằng trạm bơm dã chiến Phù Sa. Khoảng 3.000 ha thuộc huyện Kinh Môn (Hải Dương) lợi dụng nguồn nước thủy triều để cấp nước.

Khoảng 700 ha thuộc huyện Quế Võ (Bắc Ninh) cấp nước bằng nguồn nước nội địa và lợi dụng thủy triều. Ngoài ra, các diện tích nhỏ lẻ khác sẽ được cấp bằng nước đã tích trữ vào hệ thống sông nội địa, kênh mương từ các đợt trước và trong đợt này.

PV: Như vậy, thời gian lấy nước phục vụ gieo cấy vụ Đông Xuân 2016-2017 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc bộ đã rút ngắn được 4,5 ngày so với kế hoạch. Ông đánh giá thế nào về kết quả này?

Ông Nguyễn Hồng Khanh: Tổng hợp kết quả chung có thể đánh giá, việc điều hành xả nước và lấy nước từ các hệ thống hồ thủy điện phục vụ gieo cấy cho các tỉnh vùng Trung du và Đồng bằng Bắc bộ năm nay đã đạt được kết quả thắng lợi, vượt kế hoạch đề ra. Trước khi thực hiện kế hoạch xả các hồ chứa, chúng tôi cũng không nghĩ đạt được kết quả này.

Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để Tổng cục Thủy lợi phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thống nhất kế hoạch và thực hiện việc xả nước từ các hồ thủy điện một cách hợp lý, phải đánh giá cao sự nỗ lực của các địa phương, đặc biệt là các Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Chi cục Thủy lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ trước khi lấy nước. Trong quá trình thực hiện kế hoạch lấy nước đã bảo đảm hiệu quả lấy nước được cao nhất.

Cùng với đó, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông rất nhanh nhạy, kịp thời, từ việc tuyên truyền kế hoạch cụ thể thời gian các đợt xả nước cũng như tiến độ lấy nước của các địa phương đã góp phần thúc đẩy việc lấy nước đạt kết quả tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục