Hướng dẫn cách sơ cứu khi bị sốc nhiệt do nắng nóng

16:13' - 05/06/2017
BNEWS Nếu bạn gặp một người bị sốc nhiệt, hãy gọi cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện, vì nếu chậm trễ trong việc sơ, cấp cứu đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân vị sốc nhiệt để làm giảm nhiệt độ cơ thể

Cách dự phòng và sơ cứu khi bị sốc nhiệt do nắng nóng

Ths.BS. Lương Quốc Chính (Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, sốc nhiệt là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ cao kéo dài, thường kết hợp với mất nước, gây tổn thương hệ thống kiểm soát thân nhiệt. Sốc nhiệt có thể gây các tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác.
Các triệu chứng đặc trưng của sốc nhiệt gồm có: Nhiệt độ cơ thể lớn hơn 40,5 độ C; ngất xỉu có thể là dấu hiệu đầu tiên. Ngoài ra còn có rất nhiều triệu chứng khác như: Đau nhói đầu, chóng mặt và choáng váng, không ra mồ hôi mặc dù thời tiết nóng, da đỏ, nóng và khô, yếu cơ hoặc chuột rút, buồn nôn và nôn, nhịp tim nhanh, mạch có thể đập mạnh hoặc yếu, thở nhanh và thở nông, thay đổi hành vi như lú lẫn, mất phương hướng, hoặc trạng thái sửng sốt, nặng có thể co giật, hôn mê.
Nếu bạn gặp một người bị sốc nhiệt, hãy gọi cấp cứu 115 ngay lập tức hoặc đưa bệnh nhân tới bệnh viện, vì nếu chậm trễ trong việc sơ, cấp cứu đều có thể khiến bệnh nhân tử vong.
Trong khi đợi nhân viên y tế đến, cần sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách: Đưa bệnh nhân tới môi trường có điều hòa nhiệt độ, hoặc ít nhất là khu vực râm mát, rồi cởi bỏ quần áo không cần thiết.
Nếu có thể được, vừa đo nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân vừa làm mát để hạ nhiệt độ cơ thể xuống 38 độ C. Nếu không có nhiệt kế thì thực hiện làm mát cho bệnh nhân.
Các phương pháp làm mát như sau: Quạt và làm ướt da bệnh nhân bằng khăn ướt hoặc vòi nước; áp túi nước đá vào nách, bẹn, cổ và lưng bệnh nhân (do các khu vực này có nhiều mạch máu gần với da nên việc làm lạnh có thể làm giảm được nhiệt độ cơ thể).
Theo ThS.BS. Lương Quốc Chính, trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương do nhiệt vì họ thích nghi với nhiệt chậm hơn so với những người khác.
BS. Chính cũng hướng dẫn các biện pháp dự phòng sốc nhiệt như sau: Mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng mầu, đội mũ rộng vành; sử dụng kem chống nắng có chỉ số chống nắng trên 30; uống nhiều nước; thu xếp lại hoặc hủy bỏ các hoạt động ngoài trời…

>> Nắng nóng kỷ lục: Những điều cần lưu ý khi bị sốc nhiệt

>> Những bệnh nguy hiểm xuất hiện ở trẻ khi thời tiết nắng nóng

Phòng ngừa các bệnh nắng nóng ở trẻ em

Theo BS. Trần Thu Thủy (Bệnh viện Nhi Trung ương), với trẻ nhỏ, bệnh chủ yếu liên quan tới nắng nóng là mất nước. Mất nước ở mức độ nhỏ, kể cả chỉ tương đương 2% cân nặng, cũng có thể ảnh hưởng xấu tới trẻ. Mất nước làm giảm khả năng điều hòa thân nhiệt, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh do nắng nóng khác.
Các biểu hiện của mất nước như môi khô, khát nước, tiểu ít hoặc không tiểu, nước tiểu cô đặc, sẫm màu, khóc không có nước mắt, trẻ quấy khóc, khó chịu, ủ rũ, lờ đờ, mệt mỏi.
Trường hợp nặng, trẻ có biểu hiện mắt trũng, thóp trũng, buồn nôn, nôn, lờ đờ hay hôn mê.
Trong mùa nắng nóng, nên cho/yêu cầu trẻ uống nhiều nước để phòng các bệnh như say nắng, mất nước, chuột rút...
Khi trẻ có các biểu hiện trên, phụ huynh cần chuyển bé vào nơi thoáng mát, cho bé uống nước. Nếu bé không cảm thấy dễ chịu hơn thì cần tìm sự trợ giúp y tế.
Bệnh thứ hai thường gặp ở trẻ trong những ngày nắng nóng này là chuột rút với các biểu hiện đau cơ hay co cứng cơ, thường xuất hiện ở vùng bụng, cánh tay hay cẳng chân, khi vận động quá mức trong thời tiết nóng.
Trẻ hay vã mồ hôi nhiều, khi hoạt động mạnh dễ bị chuột rút. Ra mồ hôi nhiều khiến cơ thể mất nước và muối, hàm lượng muối thấp trong cơ khiến cơ co rút đau đớn.
Cách xử trí khi trẻ bị chuột rút là ngừng hoạt động thể lực và ngồi yên ở nơi râm mát, uống nhiều nước. Tiếp tục ngừng hoạt động thể lực mạnh trong vòng vài giờ sau khi hết bị chuột rút để tránh rơi vào kiệt sức hay say nắng. Tìm trợ giúp y tế nếu tình trạng không cải thiện sau một giờ.
Trong các bệnh do nắng nóng gây ra đối với trẻ nhỏ thì say nắng là nghiêm trọng nhất. Say nắng có thể dẫn tới tử vong hoặc tàn phế vĩnh viễn nếu không được cấp cứu, điều trị kịp thời.
Các dấu hiệu cảnh báo say nắng rất dễ nhận thấy, đó là: Thân nhiệt lên cao trên 39,5 độ C, da nóng, đỏ và khô (không ra mồ hôi); mạch nhanh, mạnh, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, mê sảng, mất ý thức.
Khi trẻ bị say nắng, cần gọi xe cấp cứu càng nhanh càng tốt trong khi tìm cách hạ thân nhiệt cho trẻ.
Có nhiều cách hạ thân nhiệt ở trẻ như dùng vòi nước mát hay xô nước mát xối lên người, dùng khăn ướt lau người… Nếu độ ẩm không khí thấp, cần bọc trẻ trong một tấm vải ướt và mát rồi quạt thật mạnh. Theo dõi thân nhiệt và tiếp tục các biện pháp làm mát cho tới khi nhiệt độ xuống còn 38,5 hay 39 độ C.
Để phòng các bệnh do nắng nóng ở trẻ, phụ huynh cần cho trẻ đội mũ rộng vành, mặc quần áo thoáng mát, rộng rãi, sáng màu, bôi kem chống nắng 30 phút trước khi ra đường cho trẻ; hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm; cho/yêu cầu trẻ uống đủ nước, dùng các loại dịch không gây lợi tiểu, ví dụ nước lọc, tránh các loại nước có cồn vì chúng càng làm gia tăng tình trạng mất nước. Khi hoạt động thể lực trong môi trường nóng bức, trẻ có thể uống 0,5-1 lít nước mát mỗi giờ.
Phụ huynh cũng cần lưu ý, quạt máy có thể khiến trẻ thấy bớt nóng, nhưng khi nhiệt độ môi trường lên quá cao, quạt sẽ không giúp phòng ngừa bệnh do nắng nóng. Quạt máy đẩy không khí chạy quanh nhưng không làm nguội không khí. Tắm nước mát hoặc chuyển vào nơi có điều hòa sẽ giúp trẻ hạ thân nhiệt hiệu quả hơn nhiều.

>>> 8 cách tránh nóng hữu hiệu nhất cho mùa hè

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục