Hướng dẫn thủ tục cấp sổ đỏ

10:35' - 02/03/2017
BNEWS Từ ngày 3/3, có thêm 5 loại đất dù có vướng mắc vẫn được cấp sổ đỏ. Người dân nên nắm rõ trình tự thủ tục cấp sổ đỏ để không mất nhiều thời gian khi hoàn thiện hồ sơ.

Từ ngày 3/3, Nghị định của Chính phủ cho phép việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất sẽ mở rộng thêm 5 trường hợp.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai trước ngày 1/7/2014 mà đã ở ổn định trên diện tích đó thì vẫn được cấp sổ đỏ.

Từ ngày mai 3/3, 5 loại đất dù có vướng mắc sẽ được cấp sổ đỏ
Từ ngày mai 3/3, 5 loại đất dù có vướng mắc sẽ được cấp sổ đỏ

Sổ đỏ là gì?

Sổ đỏ là tên gọi tắt của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ban hành ngày 19/10/2009 và Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT ngày 21/10/2009.

Sổ đỏ có thể dùng để giải quyết tranh chấp, nhu cầu thế chấp để vay vốn hoặc đem đi cầm cố. Chủ sở hữu cần phải giữ gìn sổ đỏ một cách cẩn thận như một tài sản quý giá, trường hợp thất lạc hay mất trộm bạn phải báo ngay cho cơ quan công an để kịp thời xử lý.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là sổ đỏ). Ảnh: baomoi.com

Hướng dẫn thủ tục cấp mới sổ đỏ lần đầu

Trình tự thủ tục cấp mới sổ đỏ được thực hiện theo các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị đầy đủ hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bao gồm:

- Đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (theo mẫu).

- Giấy tờ chứng minh nguồn gốc đất, phiếu lấy ý kiến khu dân cư.

- Sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng (trừ trường hợp trong giấy tờ nhà, đất đã có sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng) (nếu có).

- CMTND, Hộ khẩu thường trú của người sử dụng đất.

- Bản sao các giấy tờ liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai theo quy định của pháp luật (nếu có).

Bước 2: Nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất nơi có mảnh đất

Sau khi tiếp nhận kiểm tra hồ sơ, nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc chưa hợp lệ thì cán bộ tiếp nhận hướng dẫn bổ sung tại chỗ hoặc viết phiếu yêu cầu bổ sung. Nếu hồ sơ đầy đủ, hợp lệ cán bộ tiếp nhận sẽ viết biên nhận hẹn người làm hồ sơ ngày nhận thông báo thuế.

Bước 3: Nhận thông báo thuế theo giấy hẹn, người dân mang biên nhận đến nhận thông báo thuế và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có) tại cơ quan thuế. Sau đó, nộp biên lai thuế cho bộ phận tiếp nhận. Bộ phận tiếp nhận hẹn ngày nhận giấy chứng nhận.

Bước 4: Nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo phiếu hẹn của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.

Lệ phí xin cấp sổ đỏ

- Lệ phí trước bạ: Theo quy định tại Nghị định số 45/2011/NĐ-CP ngày 17/6/2011 của Chính phủ về lệ phí trước bạ; Thông tư số 124/2011/TT-BTC ngày 31/8/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn Nghị định số 45/2011/NĐ-CP.

Khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, người dân phải nộp lệ phí trước bạ bằng 0,5%  giá tính lệ phí trước bạ (giá tính lệ phí trước bạ là giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ban hành).

- Lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Theo Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất và Thông tư số 106/2010/TT-BTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất:

+ Đối với hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; phường nội thành thuộc thành phố hoặc thị xã trực thuộc tỉnh: Mức thu tối đa không quá 100.000 đồng/giấy đối với cấp mới.

Trường hợp Giấy chứng nhận cấp cho hộ gia đình, cá nhân chỉ có quyền sử dụng đất (không có nhà và tài sản khác gắn liền với đất) thì áp dụng mức thu tối đa không quá 25.000 đồng/giấy cấp mới.

+ Miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân tại các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và các phường nội thành thuộc thành phố, thị xã trực thuộc tỉnh (quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư này) được cấp Giấy chứng nhận ở nông thôn thì không được miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận.

- Ngoài ra còn phải nộp các loại phí khác (nếu có), như: Phí thẩm định, phí trích đo.

Giả danh cán bộ dự án của thành phố để lừa đảo cấp sổ đỏ

Giả danh cán bộ dự án của thành phố để lừa đảo cấp sổ đỏ

----

Hướng dẫn cấp đổi và sang tên sổ đỏ

Thủ tục cấp đổi sổ đỏ (đăng ký biến động đất đai) và sang tên sổ đỏ có phần dễ dàng hơn.

Bước 1: Người dân muốn làm thủ tục cấp đổi sổ đỏ (đăng ký biến động đất đai), trước hết phải có hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cho thừa kế, quà tặng hợp pháp. Có nghĩa là những hợp đồng này phải được công chứng hoặc chứng thực.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ xin cấp đổi, sang tên sổ đỏ gồm:

- Đơn cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;

- Đơn đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất;

- Hợp đồng chuyển nhượng đất, cho thừa kế, quà tặng;

- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân;

- Tờ khai lệ phí trước bạ nhà đất.

Bước 3: Nộp lệ phí theo quy định bao gồm:

Thuế thu nhập cá nhân (viết tắt T.TNCN): có hai cách tính như sau:

- T.TNCN = 25%*(giá bán – giá mua – chi phí liên quan). Nếu muốn áp dụng thì các thông tin giá cả mua, bán phải rõ ràng, chính xác.

- T.TNCN = 2% Tổng giá trị bán.

Các khoản phí, lệ phí được sang tên phải nộp:

- Lệ phí địa chính 0,15% giá trị chuyển nhượng

- Lệ phí trước bạ nhà đất: 0,5%

Bước 4: Nhận sổ đỏ theo phiếu hẹn.

Thời gian cấp mới, sang tên sổ đỏ

Theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 3/3/2017, thời gian thực hiện một số thủ tục hành chính về đất đai và những trường hợp mở rộng được cấp quyền sử dụng đất như sau:

- Thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thay đổi tài sản gắn liền với đất; tách thửa, hợp thửa đất, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý tối đa là 15 ngày.

- Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày.

- Thủ tục đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính; đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, vợ, chồng, nhóm người sử dụng đất... tối đa là 10 ngày.

- Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 07 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày.

- Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 10 ngày.

- Thời gian thực hiện thủ tục đính chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp là không quá 10 ngày.

Hà Nội lập tổ công tác trực tiếp gỡ vướng trong cấp “sổ đỏ”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục