IMF: Các ngân hàng trung ương Anh và châu Âu đã có hành động kịp thời sau Brexit

14:17' - 26/06/2016
BNEWS Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Christine Lagarde, hoan nghênh các ngân hàng trung ương ở Anh và châu Âu đã có những thông báo kịp thời nhằm đảm bảo trong bối cảnh Anh quyết rời EU.
Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde hoan nghênh các ngân hàng trung ương đã hành động kịp thời sau Brexit. Ảnh: TTXVN

Tình hình bất định khiến các nhà đầu tư và các ngân hàng lo lắng, có xu hướng muốn ngưng cho vay trong thời gian khủng hoảng, điều có thể làm nền kinh tế trì trệ hơn nữa và làm vấn đề trầm trọng thêm.

Ngân hàng trung ương Anh đã dành 342 tỷ USD để cung cấp thanh khoản, duy trì hoạt động của thị trường.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jack Lew cho biết các nhà hoạch định chính sách có những công cụ cần thiết để “hỗ trợ sự ổn định tài chính”, vốn là yếu tố quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Jim Yong Kim cho biết cơ quan của ông sẵn sàng hỗ trợ các nước thành viên.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Taro Aso cho báo giới biết nước này đang theo dõi sát các thị trường tiền tệ đang trong tâm lý "cực kỳ hoang mang", trong khi Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Haruhiko Kuroda nói ngân hàng trung ương đã sẵn sàng các biện pháp để ổn định thị trường.
Chính phủ Hàn Quốc cũng cam kết sẽ “dùng mọi biện pháp cần thiết” để ổn định thị trường ngoại hối.
Giáo sư luật của Đại học Havard, Hal Scott, người nghiên cứu về các hệ thống quốc tế, cho rằng các nguyên tắc kinh tế cơ bản đã thay đổi với nước Anh, nhưng không đủ để châm ngòi cho một cuộc suy thoái trừ khi có một tình trạng hoảng loạn phi lý.

Ông dự đoán tình hình bất ổn của thị trường thế giới hiện nay sẽ tiếp diễn trong “một thời gian”.
Theo ông Andy Xie, một nhà phân tích độc lập tại Hong Kong, trong khi nhiều người lo âu về cú sốc tài chính do cuộc trưng cầu dân ý tại Anh gây ra, tác động của nó có thể sẽ không lớn như vậy.

Ông nói trong khi các mối liên hệ của Anh với EU có thể bị thiệt hại, nhưng việc giảm giá đồng bảng Anh không nhất thiết là một điều xấu vì đồng tiền Anh quá đắt.
Cho đến nay, nạn nhân lớn nhất của cuộc trưng cầu dân ý tại nươc Anh dường như là đồng bảng Anh, khi sụt từ mức 1,5 USD xuống còn 1,34 USD phiên 24/6, mức thấp nhất trong 31 năm.

Đồng tiền Anh giảm giá sẽ khiến hàng nhập khẩu đắt hơn, có thể thổi bùng lạm phát. Tuy nhiên, giá trị bảng Anh giảm đi cũng có nghĩa là hàng hóa do Anh sản xuất sẽ rẻ hơn ở thị trường nước ngoài, cho nên dễ tiêu thụ trên các thị trường toàn cầu, từ đó thúc đẩy xuất khẩu của nước này.

Xem thêm:

WTO, IMF chú tâm đến nước Anh và EU sau Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục