Vấn đề Brexit: Ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập EU họp khẩn cấp

18:20' - 25/06/2016
BNEWS Ngoại trưởng Đức tuyên bố nhóm 6 nước thành viên sáng lập EU muốn gửi thông điệp rằng "Chúng tôi sẽ không để ai lấy mất châu Âu của mình".

Chỉ một ngày sau khi có kết quả trưng cầu dân ý tại Anh về quyết định rời Liên minh châu Âu (EU) - hay còn gọi là Brexit, ngoại trưởng 6 nước thành viên sáng lập của EU, gồm Đức, Pháp, Italy, Hà Lan, Bỉ và Luxemburg, đã có cuộc họp khẩn cấp trong ngày 25/6 tại thủ đô Berlin của Đức.

Ngoại trưởng nước chủ nhà Frank-Walter Steinmeier và người đồng cấp 5 nước thảo luận về những hậu quả của Brexit đối với EU. Tại cuộc gặp, Đức và Pháp nhiều khả năng cùng đệ trình một kế hoạch chung (kế hoạch B) đã được hai bên chuẩn bị từ trước cuộc trưng cầu dân ý về việc duy trì sự hợp tác và phát triển của EU.

Trong dự thảo tuyên bố của của cuộc gặp, các bên dùng cụm từ “Liên minh linh hoạt” để mô tả về EU trong tương lai, hàm ý rằng EU sẽ cởi mở và hỗ trợ nhiều hơn cho những quốc gia nào ở khu vực chưa bắt nhịp kịp với tốc độ hội nhập của liên minh này.

Mục tiêu của sự điều chỉnh này là nhằm ngăn chặn một kịch bản như Brexit có thể tái diễn ở một quốc gia thành viên EU khác.

Ngoại trưởng Đức khẳng định EU có thể vượt qua cú sốc của việc cử tri Anh lựa chọn nước này rời khỏi EU. Ông tuyên bố nhóm 6 nước thành viên sáng lập EU muốn gửi thông điệp rằng "Chúng tôi sẽ không để ai lấy mất châu Âu của mình".

Hiện các nhà lãnh đạo Hội đồng châu Âu, Uỷ ban châu Âu, Nghị viện châu Âu và Hà Lan (nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU) đều thúc giục Anh đàm phán "càng sớm càng tốt" thủ tục rời khỏi EU.

Tuy nhiên, vấn đề này còn phụ thuộc vào đảng Bảo thủ cầm quyền ở Anh có sớm bầu được người thay thế Thủ tướng David Cameron, người đã thông báo ý định từ chức.

Thủ tục rời khỏi EU được quy định trong điều 50 của Hiệp ước Lisbon năm 2009. Thủ tục này sẽ kéo dài đến 2 năm với các cuộc thương lượng giữa Anh với 27 nước thành viên còn lại của EU. Nói cách khác, Anh Quốc sẽ vẫn là thành viên EU cho đến năm 2018, trong thời gian thương lượng về các thể thức "chia tay" và về quan hệ mới giữa Anh và EU.

Từ nay đến thời gian đó, các luật lệ quy định và các hiệp ước châu Âu tiếp tục được áp dụng đối với Anh cho đến khi thỏa thuận rút khỏi EU bắt đầu có hiệu lực. Để có hiệu lực, thỏa thuận còn phải được đưa ra biểu quyết ở Nghị viện châu Âu và sau đó được Hội đồng châu Âu thông qua.

Nhưng trong thời gian đó, Anh sẽ không được tham gia vào các quyết định ở cấp độ châu Âu. Tuy nhiên, do chưa bao giờ có một quốc gia thành viên ra khỏi EU nên các thủ tục vẫn còn rất mơ hồ./.

Xem thêm:

Được-mất đối với kinh tế châu Âu hậu Brexit

Mỹ tin tưởng mối quan hệ với Anh tiếp tục được duy trì sau Brexit
Chuyên gia VCBS: Vn-Index có thể quay về mốc 600 điểm do Brexit

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục