Kết nối kinh tế, hợp tác đầu tư giữa Việt Nam - Singapore

12:07' - 17/10/2017
BNEWS Trong thời gian tới, Việt Nam - Singapore sẽ mở rộng hợp tác, phát huy những lĩnh vực có thế mạnh, giàu tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả đầu tư song phương.

Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 về Kết nối kinh tế Việt Nam- Singapore. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 17/10, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng lần thứ 13 về kết nối kinh tế Việt Nam - Singapore nhằm thúc đẩy, tăng cường hoạt động kết nối kinh tế, hợp tác đầu tư giữa hai nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Singapore là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam tại châu Á, nhất là khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp Singapore đã sớm có mặt tại Việt Nam và Hội nghị lần này là dịp điểm lại tình hình đầu tư song phương, tập trung vào một số lĩnh vực như: giáo dục, thông tin, giao thông vận tải, tài chính - ngân hàng, dịch vụ du lịch... Thời gian gần đây, Việt Nam ngày càng chủ động cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh; củng cố niềm tin đối với giới doanh nghiệp quốc tế và khẳng định định hướng mở cửa, tăng cường kết nối với đời sống kinh tế toàn cầu.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn, trong thời gian tới, hai nước mở rộng hợp tác, phát huy những lĩnh vực có thế mạnh, giàu tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác, nâng cao hiệu quả đầu tư song phương. Hai bên cũng sẽ thường xuyên trao đổi thông tin, phối hợp và xử lý các vướng mắc nảy sinh của các doanh nghiệp Singapore triển khai tại Việt Nam trên tinh thần hợp tác, chủ động tháo gỡ.
Bộ trưởng Bộ Thương mại và Công nghiệp Singapore Lim Hng Kiang khẳng định, Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng, ngày càng hấp dẫn nguồn vốn đầu tư nước ngoài; trong đó có doanh nghiệp Singapore. Điều kiện, đặc điểm của hai nền kinh tế có nhiều nét có thể bổ sung cho nhau.
Trong khuôn khổ Hội nghị, hai bên đã đánh giá việc thực hiện các thỏa thuận hợp tác ở 6 lĩnh vực kết nối Việt Nam - Singapore gồm: đầu tư, tài chính, công nghệ thông tin và truyền thông, giáo dục và đào tạo, giao thông vận tải và thương mại, dịch vụ. Trong đó, hợp tác về thương mại và đầu tư đạt được những kết quả tích cực.
Cụ thể, quan hệ thương mại Việt Nam - Singapore không ngừng phát triển với mức tăng trưởng khả quan, đạt bình quân 12%/ năm. Năm 2013, quan hệ giữa hai nước được nâng tầm trở thành đối tác chiến lược. Hiện nay, Singapore đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam trong ASEAN (sau Thái Lan) và là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Việt Nam trên toàn thế giới (sau Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc...). Hiện nay, Việt Nam cũng đã vươn lên trở thành đối tác thương mại lớn thứ 11 của Singapore, năm trước xếp ở vị trí thứ 13.
Trong 7 tháng đầu năm 2017, thương mại hai chiều Việt Nam - Singapore đạt 5 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Singapore đạt 1,7 tỷ USD, tăng 28,9% so với cùng kỳ và nhập khẩu từ Singapore đạt 3,3 tỷ USD, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về đầu tư, Singapore hiện có 1.918 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 41,38 tỷ USD, đứng thứ 3/122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, sau Hàn Quốc và Nhật Bản. Quy mô vốn đầu tư đăng ký bình quân của Singapore khoảng 21,6 triệu USD/dự án, cao hơn so với mức trung bình của một dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là 12,9 triệu USD/dự án.
Trong 8 tháng đầu năm 2017, Singapore đã có 3,93 tỷ USD vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam; trong đó 2,84 tỷ USD là vốn đăng ký cấp mới, 718 triệu USD vốn đăng ký tăng thêm và 370 triệu USD giá trị vốn góp mua cổ phần. Bên cạnh đó, hợp tác Việt Nam - Singapore trong các lĩnh vực còn lại cũng có những bước phát triển, song vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và nhu cầu hợp tác giữa hai nước.
Để thúc đẩy, tăng cường hoạt động kết nối kinh tế, hợp tác đầu tư trong thời gian tới, hai bên đề xuất các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam và Singapore tiếp tục tăng cường sự phối hợp, trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm về chính sách quản lý, kỹ thuật nghiệp vụ, nhất là các lĩnh vực thông tin truyền thông; giáo dục đào tạo; giao thông vận tải; du lịch - dịch vụ; quy hoạch và quản lý giao thông đô thị, phát triển hệ thống giao thông đường bộ; xuất nhập khẩu.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục