Singapore quản lý hiệu quả dịch vụ chia sẻ xe

11:37' - 17/09/2017
BNEWS Singpore quản lý hiệu quả dịch vụ chia sẻ xe ô tô, mang lại nhiều lợi ích cho xã hội.
Grab phát triển dịch vụ chia sẻ xe ô tô tại Singapore. Ảnh: The Independent

Nói đến Singapore, một đảo quốc chỉ vỏn vẹn với gần sáu triệu dân ở khu vực Đông Nam Á, nhiều người đều biết đây là một trong những quốc gia có phí sở hữu xe riêng đắt đỏ vào loại bậc nhất trên thế giới.

Với diện tích chỉ tương đương như đảo Phú Quốc của Việt Nam thì việc hạn chế xe tư nhân, đồng thời phát triển các loại hình xe taxi cũng như phương tiện vận chuyển công cộng được chính phủ nước này quán triệt ngay từ những ngày đầu phát triển.

Điều này cũng lý giải tại sao trong khi một số nước cấm Uber và Grab thì Singapore lại sớm chấp nhận loại hình dịch vụ chia sẻ ô tô thông qua nền tảng công nghệ này, song cũng có những quy định rất cụ thể và nghiêm ngặt để quản lý mà nhiều quốc gia có thể học hỏi, trong đó có Việt Nam.

Quyết định không đứng ngoài 

Vốn đi tiên phong trong việc xây dựng quốc gia thông minh, chính phủ của Thủ tướng Lý Hiển Long nhận thấy một thực tế không thể phủ nhận rằng Internet và sự phát triển nhanh mạnh của các ứng dụng trên nền tảng công nghệ đang ngày càng len lỏi vào từng ngóc ngách của cuộc sống và đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, trong đó có việc ra đời một xu thế mới, kinh doanh “chia sẻ”.

Không phải ngẫu nhiên mà bên cạnh Uber và Grab trong lĩnh vực dịch vụ vận tải, thì dịch vụ chia sẻ phòng trực tuyến Airbnb trong cũng xuất hiện ở Singapore từ khá sớm.

Có thể nói xu thế kinh doanh mới này sở dĩ được đông đảo người tiêu dùng đón nhận là bởi đã tận dụng hiệu quả các nguồn lực chưa được khai thác, giúp tăng tính cạnh tranh trên thị trường và mang đến cho khách hàng những lựa chọn đa dạng hơn.

Thống kê của các cơ quan chức năng đã chỉ ra rằng sau bốn năm kể từ khi dịch vụ Grab và sau đó là Uber xuất hiện tại Singapore, lượng người sở hữu ô tô ở nước này đang ở mức thấp nhất trong vòng tám năm qua.

Trong khi đó, số lượng xe thuê di chuyển trên đường đã tăng 38%, từ 24.573 xe (2014-2015) lên 36.002 xe vào tháng 5/2016. Hiện tượng này cho thấy dường như người dân “đảo quốc Sư tử” đã chuyển dần sang hình thức di chuyển bằng xe Uber, Grab thay vì sử dụng dịch vụ taxi truyền thống như trước kia.

Mặt khác, sự phát triển nhanh chóng của dịch vụ gọi xe taxi qua phần mềm điện thoại gần đây đã khiến số lượng taxi truyền thống giảm hơn 10%. Số liệu thống kê mới nhất từ Cơ quan Giao thông đường bộ (LTA) của Singapore cho thấy số lượng taxi tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong tám năm trở lại đây.

Tính đến ngày 30/6/2017, số taxi truyền thống là 25.699 chiếc, giảm 10,6% so với năm 2014 (28.736 chiếc) - thời điểm một năm sau khi Uber và Grab ra mắt thị trường Singapore.

Một khảo sát mới đây cũng cho hay ngày càng nhiều người trẻ (từ 30 tuổi trở xuống) tại Singapore đăng ký làm lái xe toàn thời gian cho Grab và Uber. Trong bối cảnh khó tìm được việc làm như hiện nay thì mức thu nhập trung bình khoảng 6.000 SGD/tháng (tương đương gần 4.400 USD) từ dịch vụ này là khá lý tưởng để có thể trang trải các chi phí sinh hoạt.

Theo nhiều nhà phân tích thì điều này tuy mang lại những thu nhập khá tức thời, nhưng lại là “bước cản” có thể làm hại đến triển vọng nghề nghiệp của một người trẻ trong thời gian dài…

Do vậy, bên cạnh “điểm cộng” thì những con số thống kê này cũng đặt ra cho nhà chức trách Singapore một bài toán là làm sao để quản lý hiệu quả một mô hình kinh doanh mới, giải quyết mâu thuẫn giữa nhà cung cấp dịch vụ truyền thống và nhà cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ mà vẫn thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cũng như đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng.

Quản lý bằng chế tài nghiêm 

Theo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung vừa được Quốc hội Singapore thông qua từ tháng 2/2017, các lái xe tư nhân hợp tác với Uber và Grab cần phải có giấy phép hành nghề. Ông Ng Chee Meng, Thứ trưởng Bộ Giao thông Singapore, nhấn mạnh: Quy định sửa đổi sẽ đảm bảo các tài xế hợp tác với Uber, Grab phải có kiến thức đầy đủ và thành thạo kỹ năng để cung cấp dịch vụ vận tải hành khách một cách an toàn.

Thực tế, những quy định này không quá phiền hà. Các nhà khai thác dịch vụ Uber, Grab cũng đều đồng ý rằng, chúng là cần thiết để đảm bảo lợi ích của hành khách.

Theo đó, những người lái xe phải tham gia khóa học 10 giờ, vượt qua bài kiểm tra kiến thức, kỹ năng và sức khỏe để được cấp chứng chỉ hành nghề. Ngoài ra, các dịch vụ đặt xe cũng phải cung cấp trước cho hành khách tất cả thông tin về cước phí, phụ phí và mức phí phải trả cho hành trình - bao gồm cả trong thời gian cao điểm và số tiền tính thêm theo địa điểm.

Để giữ chân tài xế trước các quy định mới này, cả Uber và Grab đều có chính sách tài trợ chi phí lấy giấy phép (ước tính khoảng 250 USD/tài xế). Chi phí này bao gồm phí đăng ký, tiền tham gia khóa học, phí thi cử và kiểm tra sức khỏe.

Thậm chí, chi phí này có thể tăng cao hơn nếu tài xế thực hiện bài thi bằng tiếng Anh. Theo thống kê của Bộ Nhân lực (MOM), tuy cả Uber và Grab đều từ chối tiết lộ số giấy phép lái xe phải đăng ký, nhưng ước tính với 10.500 tài xế đang hợp tác, tổng chi phí mà Uber và Grab phải chi trả sẽ lên tới hơn 2 triệu USD.

Ngoài ra, theo Thứ trưởng Ng Chee Meng, luật mới còn quy định “để nhận dạng xe, toàn bộ xe của người hợp tác với Uber, Grab…, đều phải dán các đề can do LTA cấp từ giữa năm 2017”.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành của Singapore cũng yêu cầu các loại xe này phải được cấp phép là phương tiện phục vụ dịch vụ công cộng, phải có bảo hiểm đầy đủ cũng như trang bị xe đáp ứng đủ tiêu chuẩn nếu không sẽ bị phạt hành chính, thậm chí ngồi tù.

Luật Giao thông đường bộ sửa đổi bổ sung còn trao quyền cho LTA để công bố hoặc thực thi các quy định khác như bắt buộc các công ty khai thác dịch vụ cung cấp cho cơ quan chức năng dữ liệu liên quan tới chuyến đi, dữ liệu về xe để hoạch định, điều tra giao thông khi cần.

Những nhà khai thác vi phạm có thể bị phạt lên tới 10.000 SGD/một lần (tương đương 7.300 USD). Cục Đăng kiểm Singapore có thể đình chỉ toàn bộ đối với nhà khai thác (đồng nghĩa cấm toàn bộ tài xế của một nhà khai thác) nếu công ty này vi phạm từ ba tội nghiêm trọng trở lên trong vòng 12 tháng.

Nếu tài xế tiếp tục điều khiển phương tiện trong thời gian bị đình chỉ sẽ bị phạt 2.000 SGD hoặc bị phạt tù tới sáu tháng hoặc cả hai, tùy thuộc vào số lần phạm lỗi. Song song với đó, giấy phép hành nghề của họ cũng bị đình chỉ hoặc thu hồi.

Mặc dù quy định “ngặt nghèo” song lãnh đạo Bộ Giao thông Singapore cho hay các nhà khai thác dịch vụ là Uber, Grab đều đồng ý rằng đây là những quy định cần thiết để đảm bảo lợi ích của hành khách.

Hiện tại, Singapore có sáu doanh nghiệp kinh doanh taxi truyền thống, bao gồm ComfortDelGro, Trans-Cab, Prime Taxi, SMRT Taxi, Premier, HDT Singapore Taxi và hai doanh nghiệp kinh doanh xe “chia sẻ” là Uber, Grab.

Trong một động thái mới nhất để tăng thị phần, Grab đã tiếp cận các tài xế của hãng taxi lớn nhất Singapore, ComfortDelGro-sở hữu gần 16.000 chiếc xe dưới thương hiệu Comfort và CityCab, đề nghị chiết khấu 50% tiền thuê xe nếu họ chuyển sang làm việc cho hãng này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục