Khắc phục “thẻ vàng” IUU - Bài 1: Đi tìm lời giải cho bài toán quản lý tàu cá

12:43' - 28/11/2017
BNEWS Sau khi Ủy ban châu Âu (EC) rút “thẻ vàng” đối với thủy sản khai thác biển của Việt Nam, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã có nhiều động thái quyết liệt để cải thiện tình hình.
Khắc phục “thẻ vàng” IUU - Đi tìm lời giải cho bài toán quản lý tàu cá. Ảnh minh họa: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Mới đây, trong cuộc gặp với ông Bruno Angelet, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đánh giá cao khuyến nghị của EU nhằm hỗ trợ, xử lý các vấn đề về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không quản lý và không khai báo; đồng thời bày tỏ mong muốn sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản của Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, các khuyến nghị của EU phù hợp với chủ trương của Việt Nam cũng như việc thực hiện chính sách nghề cá bền vững, tiến tới chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp.

Cùng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, các địa phương có phương tiện khai thác, đánh bắt hải sản ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp để khắc phục tình hình.

Điều này chứng tỏ Việt Nam luôn tuân thủ quy định về chống các hoạt động khai thác bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định mà EU đã ban hành.

Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh ven biển như Bạc Liêu, Cà Mau là những địa phương có thế mạnh về khai thác biển.

Bạc Liêu có tiềm năng hải sản khá lớn với hơn 660 loài cá, 33 loài tôm, sản lượng đánh bắt mỗi năm từ 60.000 - 70.000 tấn; trong đó có khoảng 10.000 tấn tôm.

Còn ở Cà Mau, sản lượng khai thác thuỷ sản 10 tháng đầu năm 2017 đạt trên 173.000 tấn, giảm 1,9% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng tôm đạt gần 12.000 tấn, tăng 5,9%.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, thực hiện Công điện hỏa tốc số 732 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu, chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhất là sau khi EC phạt thẻ vàng đối với hoạt động khai thác thủy sản của Việt Nam, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp, các địa phương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân liên quan các quy định pháp luật về thủy sản của Việt Nam, quốc tế.

Ngoài ra, tiếp tục hướng dẫn ngư dân cam kết không vi phạm các quy định về khai thác thủy sản, đặc biệt không vi phạm vùng biển nước ngoài trong đánh bắt thủy hải sản.

Trước mắt, tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo ngành chức năng thực hiện hiệu quả việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.

Bên cạnh đó, kiểm tra, xác minh và xử lý các chủ tàu móc nối, tự ý đưa tàu đi khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bất hợp pháp hoặc tự liên hệ để chuộc tàu mà không thông tin cho các cơ quan chức năng.

Tỉnh cũng chủ động phối hợp với các địa phương, Bộ đội biên phòng, tổ chức đoàn thể tăng cường tập huấn, tuyên truyền hướng dẫn cho ngư dân với nội dung, hình thức phù hợp.

Việc tổ chức lại nghề khai thác thủy sản còn nhằm bảo đảm khai thác bền vững, không làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản; trong đó tập trung thực hiện việc giảm dần tàu làm nghề kéo lưới, tổ chức lại khai thác vùng biển xa bờ, ven bờ theo mô hình khai thác theo tổ, đội và các mô hình quản lý khai thác có sự tham gia của cộng đồng.

Do đó, lực lượng liên ngành và các tỉnh cần tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động của tàu thuyền đánh cá trước khi rời bến đi đánh bắt trên biển; buộc các chủ tàu khai thác xa bờ tthực hiện cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

"Đặc biệt, Bạc Liêu kiên quyết không cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng như không cho đóng mới đối với chủ tàu tái phạm. Tàu cá bị bắt giữ phải trả tiền chuộc, thả hoặc trốn về nước phải tạm dừng chuyển quyền sở hữu và tước quyền giấy phép khai thác thủy sản trong 6 tháng. Đồng thời không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước", Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh.

Để khắc phục theo những khuyến cáo của EU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch hành động quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp.

Kế hoạch được phê duyệt sẽ là cơ sở để thực hiện hiệu quả công tác này trong thời gian tới, nhất là việc yêu cầu các tàu cá có công suất từ 90 CV trở lên gắn thiết bị giám sát hành trình để tích hợp với các cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, việc gắn thiết bị giám sát hoạt động của tàu cá vẫn còn nhiều vướng mắc bởi chưa có quy định cụ thể.

Giải thích vấn đề này, ông Nguyễn Việt Triều, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Cà Mau cho biết, mặc dù tỉnh đã thí điểm hình thức này, nhưng chỉ là những dự án nhỏ.

Khó khăn nhất vẫn là chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào về chuyên ngành bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình vì hiện mới chỉ dừng lại ở việc gắn các thiết bị thông tin liên lạc rồi định nghĩa thế nào là giám sát hành trình cũng chưa có.

Cùng với đó, ngư dân thường có tâm lý giấu tọa độ, bãi khai thác hoặc viện dẫn lý do sự cố rồi sẵn sàng chấp nhận nộp phạt.

Do vậy, rất khó có cơ sở để đấu tranh pháp lý với các nước cũng như thay đổi nhận thức, tâm lý của ngư dân, ông Triều nhận xét.

Giải pháp đầu tiên và chính yếu nhất cho vấn đề này vẫn là nâng cao tuyên truyền, tổ chức các buổi hội thảo cho ngư dân.

Từ đầu đầu năm tới nay, Cà Mau đã tổ chức được 8 lớp tập huấn, tuyên truyền cho ngư dân, tập trung vào các nội dung như tuyên truyền sâu vào ranh giới biển; quy định của các nước lân cận trong việc phát hiện và xử lý khi có tàu đánh bắt trái phép trên vùng biển. Đồng thời, phổ biến cho ngư dân về biện pháp xử lý của Việt Nam.

Thời gian tới, tỉnh Cà Mau sẽ phối hợp với các cơ quan viễn thông, đài duyên hải... chế tạo các thiết bị giám sát hành trình; phát tín hiệu 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ thông tin của tàu cũng như nhiều giải pháp đồng bộ./.

Bài 2: Lấy lại “thẻ xanh” khó vẫn phải làm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục