Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục

11:52' - 23/11/2024
BNEWS Ngày 22/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: từ thách thức đến đột phá”.
Ngày 22/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo trong giáo dục: từ thách thức đến đột phá”.

Trí tuệ nhân tạo có ứng dụng rất đa dạng trong giáo dục, từ công tác quản lý đến dạy và học. Các công cụ từ trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giáo viên sáng tạo nội dung số trong bài giảng, cá nhân hóa người học giúp quá trình dạy và học đạt hiệu quả cao hơn. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn giúp cải thiện hiệu quả công tác quản lý giáo dục thông qua khả năng tự động hóa các nhiệm vụ hành chính; phát triển các kênh hỗ trợ tư vấn để tăng khả năng tiếp cận giáo dục với mọi người…

Ông Jason See, Giám đốc công nghệ, Bộ Giáo dục Singapore chia sẻ, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục có thể giảm bớt công việc của giáo viên để họ có nhiều thời gian cho việc chăm lo và cá nhân hóa học sinh trong quá trình dạy học. Để ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giảng dạy cần phải triển khai đồng bộ các giải pháp về công nghệ, chính sách và nhân lực. Trí tuệ nhân tạo là một công cụ, học sinh và giáo viên cần phải biết, hiểu và sử dụng nó hợp lý. Trong đó, không chỉ giúp giáo viên tiếp cận với công nghệ hiện đại mà còn phải tạo động lực để họ thật sự thay đổi.

 
Bà Nguyễn Phương Lan, Tổng Giám đốc EMG Education cho rằng, ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể hỗ trợ giáo viên cá nhân hóa học sinh trong dạy học, triển khai hoạt động học tập trên quy mô lớn trong khi vẫn phù hợp với từng học sinh. Từ phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo có thể xác định những lỗ hổng kiến thức và đưa ra khuyến nghị về lộ trình học tập phù hợp từng cá nhân. EMG Education đã nỗ lực ứng dụng trí tuệ nhân tạo để hướng tới cá thể hóa học tập; trong đó, điều đặc biệt quan tâm đó là bảo mật thông tin cá nhân của học sinh. Ngoài ra, cần có sự cân bằng hợp lý giữa công nghệ và vai trò của giáo viên trong môi trường giáo dục ứng dụng trí tuệ nhân tạo.

Chia sẻ thực tế địa phương, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trên cơ sở nền tảng chuyển đổi số thực hiện trong nhiều năm qua, Thành phố đang tiến hành triển khai trí tuệ nhân tạo vào trong nhà trường. Ngành Giáo dục Thành phố có nhiều thuận lợi để triển khai nội dung này bởi đã có nền tảng dữ liệu lớn, cùng với đó là sự hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp lớn về trí tuệ nhân tạo. Mặt khác, Thành phố cũng vừa ban hành bộ tiêu chí trường học số, các trường đều chủ động chuẩn bị về mặt nhân sự, hạ tầng để xây dựng trường học số, tạo thuận lợi trong triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong trường học.
             
Các đại biểu tham quan trưng bày về các giải pháp trí tuệ nhân tạo trong giáo dục. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

Hiện ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang thử nghiệm hai giải pháp ứng dụng AI, đó là mô hình hỗ trợ tự điều chỉnh lộ trình học tập và mô hình dự đoán nội dung kiến thức cho việc đề xuất bồi dưỡng. Các giải pháp này có thể hỗ trợ giáo viên và học sinh trong việc tối ưu hóa, cá nhân hóa lộ trình học tập, từ đó nâng cao chất lượng giáo dục của ngành theo diện rộng. Qua thực tiễn triển khai, lãnh đạo ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh nhận định có nhiều thách thức đặt ra trong việc đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục, trong đó có những thách thức về cơ sở hạ tầng, chính sách và tài chính.

Cùng với việc thí điểm thực hiện mô hình một cách toàn diện, nhiều trường học, giáo viên tại Thành phố đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở các mức độ khác nhau trong quá trình dạy học, nhất là trong việc xây dựng bài giảng, tạo các trò chơi, thiết kế các nhiệm vụ dạy học để giờ học trở nên sinh động, hiệu quả hơn.

Theo các đại biểu, khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo ngày càng trở nên phổ biến và việc ứng dụng nó trong giáo dục là xu thế tất yếu, công tác quản lý ngành cũng sẽ đối mặt với không ít thách thức. Trong đó, việc ứng dụng, tích hợp trí tuệ nhân tạo vào giáo dục đặt ra những câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, đạo đức sử dụng công nghệ và việc làm sao để sử dụng trí tuệ nhân tạo không dẫn đến sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Để triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong giáo dục đạt hiệu quả, cần có cả cơ chế chính sách và sự đầu tư phù hợp. Trong đó, cùng với đầu tư cho hạ tầng hiện đại, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Giáo viên và học sinh cũng cần được trang bị kiến thức để sử dụng các công cụ trí tuệ nhân tạo một cách hiệu quả và an toàn.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục