Khép lại khoảng cách kết nối doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước

15:16' - 16/06/2017
BNEWS Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang cần những giải pháp khắc phục..
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF) diễn ra tại khách sạn Sheraton (Hà Nội) ngày 16/6 với nhiều trăn trở, băn khoăn của các nhà quản lý, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Vấn đề kết nối giữa doanh nghiệp tư nhân trong nước và các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang được đặt ra, đồng thời cần những giải pháp khắc phục nhằm khép lại khoảng cách để tăng hiệu quả kết nối.
Sau rất nhiều nỗ lực của Chính phủ, các cấp ngành cùng các bên liên quan thì tới nay hiệu quả và tính lan tỏa về trình độ công nghệ, chuyển giao kỹ năng quản lý, quản trị doanh nghiệp; liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong chuỗi giá trị toàn cầu…. giữa 2 khu vực kinh tế này còn rất “lỏng lẻo”, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra và kỳ vọng của Chính phủ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đang ngày càng sâu và rộng như hiện nay.
Không thể phủ nhận, vai trò và đóng góp quan trọng của khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong giai đoạn vừa qua, sau 30 năm Luật Đầu tư nước ngoài chính thức có hiệu lực.
Khu vực FDI đã đóng góp trên 50% giá trị công nghiệp chế tác và trên 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường các nước trên thế giới.
Khu vực kinh tế này cũng hiện diện trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả trong những ngành mà các doanh nghiệp trong nước có thể đầu tư.
Với sự đầu tư bài bản hơn, công nghệ cao hơn, các doanh nghiệp FDI từng được các địa phương mời gọi và “trải thảm đỏ”; thậm chí đang được nhận nhiều ưu đãi lớn hơn so với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, nhất là trong việc tiếp cận đất đai, ưu đãi về thuế…
Với tiềm lực mạnh hơn hẳn các doanh nghiệp trong nước về vốn, công nghệ, quản trị, kết nối thị trường, lại ít bị tác động hơn bởi những rào cản từ thể chế, các doanh nghiệp FDI đã nhanh chóng vượt lên nắm giữ tỷ trọng ngày càng cao trong những lĩnh vực được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như công nghiệp chế tác và xuất khẩu.
Vấn đề được báo chí thường xuyên nhắc tới trong thời gian qua là cần và ngay lập tức phải có những giải pháp để làm sao tránh tình trạng “Một nền kinh tế với hai tốc độ” hay “Hai nền kinh tế trong một quốc gia” và nỗ lực khép lại khoảng cách chênh lệch giữa doanh nghiệp FDI và cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Tiến sĩ Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, để tăng cường kết nối và kết nối chặt chẽ giữa doanh nghiệp FDI với khu vực tư nhân thì phải cải thiện hiệu quả các hoạt động đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Lực lượng lao động của các doanh nghiệp trong nước cần được đào tạo tốt hơn để nắm bắt được công nghệ và quy trình quản trị mới.
Muốn làm được điều này, không thể thiếu vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong hàng loạt các vấn đề như: dành nguồn lực đầu tư để cải thiện chất lượng các trường đào tạo nghề, kết nối hoạt động đào tạo nghề và thực tiễn phát triển công nghệ, khuyến khích đầu tư tư nhân trong và ngoài nước vào hoạt động đào tạo nghề….
Ngoài ra, cần có giải pháp đột phá và mang tính thực tiễn hơn để cải thiện và thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI thông qua việc cung ứng dịch vụ tư vấn công nghệ, vận hành quỹ phát triển công nghệ, sử dụng các chính sách về thuế, tài chính để khuyến khích đầu tư công nghệ cao...
Cuối cùng là tăng cường kết nối về mặt địa lý giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp trong nước.
Việc hình thành các khu công nghiệp, khu chế xuất riêng biệt, chủ yếu tập trung các doanh nghiệp FDI có thể giúp nâng cao hiệu quả ngắn hạn của hoạt động và xuất khẩu.
Tuy nhiên, điều này có thể khiến hiệu ứng lan tỏa tích cực đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước trở nên bị hạn chế.
Một nghiên cứu của VCCI đã mô hình hoá vị trí địa lý đặt nhà máy của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước, đồng thời chứng minh được rằng, khoảng cách địa lý ảnh hưởng lớn đến mức độ nối kết giữa hai khu vực này.
Chính vì vậy khi Chính phủ, chính quyền các địa phương thiết kế các khu công nghiệp riêng dành cho đầu tư FDI cũng phải tính đến sự nối kết với các khu, cụm công nghiệp dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nội địa.

Khép lại khoảng cách kết nối doanh nghiệp FDI và tư nhân trong nước.Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVNTừ thực tiễn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JBA) cho biết, một số công ty sản xuất của Nhật Bản đang có kế hoạch chuyển cơ sở sản xuất của họ từ Nhật Bản sang Việt Nam và các nước thứ 3. Nếu các doanh nghiệp này có thể dễ dàng chuyển cơ sở sản xuất của họ sang Việt Nam, sẽ góp phần rất lớn cho việc hình thành các ngành công nghiệp phụ trợ. Chắc chắn điều đó sẽ giúp phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam và không ai khác, chính họ cũng sẽ được hưởng lợi. Theo Thông tư 23/2015/TT-BKHCN chỉ cho phép nhập khẩu máy móc, thiết bị sử dụng dưới 10 năm vào Việt Nam; đồng thời, cần có địa điểm để nhập khẩu những máy móc, thiết bị hơn 10 năm, như vậy là không thuận lợi. Vì vậy, ông Hiroshi Karashima cho rằng, các doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn, các cơ quan lập pháp của Việt Nam cho phép các nhà đầu tư nhập máy móc, thiết bị đã qua sử dụng làm tài sản cố định của doanh nghiệp. Mặt khác, cho phép họ được mang máy móc, thiết bị đã qua sử dụng mà không tính đến hạn chế số năm sử dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục