Việt Nam chưa tận dụng được hết lợi ích từ FDI

10:51' - 16/06/2017
BNEWS Liên kết dọc giữa các công ty trong nước với các doanh nghiệp FDI còn rất yếu. Chỉ có gần 27% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam.
Nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam chưa tận dụng hết lợi ích từ FDI. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS/TTXVN
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ 2017 (VBF 2017) diễn ra ngày 16/6, tại Hà Nội, phần lớn đại biểu có mặt tại sự kiện đều có chung quan điểm: Việt Nam chưa tận dụng được hết những lợi ích mang lại từ các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và điều đáng lo ngại là các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam hiện nay kết nối chưa thành công vào chuỗi sản xuất toàn cầu.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện nay sự kết nối kinh doanh giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn mờ nhạt. Hiệu ứng lan toả về công nghệ và năng suất lao động từ các đối tác nước ngoài đến các doanh nghiệp trong nước còn rất hạn chế.

Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực công nghệ cao, vốn là lĩnh vực được chào đón và được Chính phủ kỳ vọng về những tiến bộ của các doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Theo kết quả điều tra doanh nghiệp toàn quốc do VCCI tiến hành trong nhiều năm qua cho thấy, tỷ lệ các doanh nghiệp tư nhân trong nước đang cung cấp các hàng hoá, dịch vụ cho doanh nghiệp FDI tương đối hạn chế.

Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 đã chỉ ra rằng, chỉ có khoảng 14% doanh nghiệp tư nhân có khách hàng là các doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam.

Liên kết dọc giữa các công ty trong nước với các doanh nghiệp FDI còn rất yếu. Chỉ có gần 27% đầu vào của doanh nghiệp FDI được mua tại Việt Nam; trong đó, một tỷ lệ đáng kể lại được mua từ chính các doanh nghiệp FDI khác.

Các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghệ cao thường có xu hướng nhập hàng hóa đầu vào từ nước xuất xứ của mình hơn.

Trong khi, các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thấp lại ít có xu hướng sử dụng nhà cung cấp tư nhân trong nước.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do vấn đề marketing; thông tin kết nối cung cầu… của các doanh nghiệp tư nhân trong nước vẫn chưa đáp ứng được những tiêu chuẩn về quản lý sản xuất, tiêu chuẩn chất lượng của các doanh nghiệp FDI.

Các chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Chính phủ Việt Nam dù được đề cập đến nhiều nhưng chưa đi vào đời sống, chưa phát huy hiệu quả và chưa đạt được các yêu cầu đề ra của thực tiễn.

Phân tích độ “vênh” khiến cho kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với các FDI nói chung và các doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng còn gặp khó khăn, ông Hiroshi Karashima, Chủ tịch, Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cho rằng do sự khác biệt về chất lượng nhân lực của người lao động, về trình độ công nghệ và khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nội địa.

Cùng chung quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là chìa khóa thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa của doanh nghiệp FDI.

Nếu không có một lực lượng lao động chất lượng cao thì dù khoảng cách trình độ công nghệ không xa hay khoảng cách địa lý giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước có gần đến thế nào thì các doanh nghiệp Việt Nam vẫn không thể học hỏi được công nghệ nói chung và công nghệ quản lý nói riêng của các doanh nghiệp FDI.

“Vì vậy Việt Nam cần phải tập trung nguồn lực nhiều hơn nữa để thúc đẩy năng lực cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp tư nhân, Chính phủ cần nhanh chóng hiện thực hoá các chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ”, ông Lộc nói.

Dù môi trường kinh doanh tại Việt Nam đã chuyển biến tích cực so với trước, nhưng ông Tomaso Andreatta, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam cho rằng, vẫn cần cải thiện hơn nữa để đem lại hiệu quả thiết thực hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Điều đó góp phần tạo nên sự tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau giữa cộng đồng doanh nghiệp cả tư nhân trong nước lẫn các doanh nghiệp FDI.

Vốn FDI đang ngày càng phụ thuộc vào sự mở rộng từ các nhà đầu tư đang hoạt động cũng như những thông tin kinh nghiệm mà họ chia sẻ với các nhà đầu tư tiềm năng, ông Jonathan Moreno, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Chính vì lẽ đó, việc thu hút vốn FDI trong tương lai phụ thuộc vào việc Việt Nam cần cải thiện môi trường kinh doanh và các hoạt động thương mại chung cho cộng đồng doanh nghiệp.

Việc giảm chi phí và tính phức tạp cho hoạt động kinh doanh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm thúc đẩy khởi nghiệp, giúp phát triển khả năng cạnh tranh của Việt Nam trong tương lai, ông Jonathan khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục