Kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ còn 3.166 tỷ USD

17:21' - 07/10/2016
BNEWS Trong năm 2015, kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm kỷ lục 513 tỷ USD sau khi Bắc Kinh tiến hành hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT).
PboC bơm tiền vào thị trường thông qua repo đầu tiên kể từ tháng Hai 2015. Ảnh: thisismoney.co.uk

Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) ngày 7/10 cho biết dự trữ ngoại tệ của nước này tiếp tục giảm trong tháng Chín chỉ còn 3.166 tỷ USD, so với con số 3.185 tỷ USD trong tháng Tám, ghi dấu tháng giảm thứ ba liên tiếp.

Các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò do hãng tin Anh Reuters tiến hành trước đó dự đoán dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc chỉ giảm xuống khoảng 3.180 tỷ USD sau khi chạm “đáy” từ năm 2011 trong tháng Tám, sau khi PBoC nỗ lực can thiệp nhằm "kéo" đồng nội tệ ra khỏi mức thấp kỷ lục trong gần 6 năm.

Trung Quốc hiện là nước có kho dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới. Tính trong năm ngoái, kho dự trữ ngoại tệ của nước này giảm kỷ lục 513 tỷ USD sau khi Bắc Kinh tiến hành hạ giá đồng nhân dân tệ (NDT). Động thái trên đã gây ra một đợt thoái vốn lớn khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đe dọa sự ổn định của nước này cũng như các thị trường tài chính khác.

Tại cuộc gặp bên lề hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hang Thế giới đang diễn ra tại Washington (Mỹ) ông Yi Gang, Phó Thống đốc PBoC, cho biết tăng trưởng kinh tế Trung Quốc hiện đạt khoảng 6,5-7%.

Theo ông Yi Gang, sức ép giảm phát tại Trung Quốc đã giảm dần. Song song với đó, thị trường việc làm nước này đã khởi sắc, khu vực công nghiệp cũng báo cáo lợi nhuận tăng. Trung Quốc trong 5 năm qua đóng góp khoảng 25-30% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu.

Việc đồng NDT mới đây được đưa vào giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế, còn gọi là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR), của IMF cũng sẽ làm đồng tiền này hấp dẫn hơn với tư cách là một đồng tiền quốc tế, đồng thời sẽ hỗ trợ mạnh những nỗ lực hiện nay của Bắc Kinh trong việc cải cách hệ thống tài chính, tiền tệ, tỷ giá hối đoái và tạo điều kiện thuận lợi cho việc đẩy mạnh hội nhập vào cộng đồng tài chính toàn cầu, theo nhận định của phần lớn giới chuyên gia.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục