Đồng NDT gia nhập SDR: Dấu mốc lịch sử đối với Trung Quốc và hệ thống tiền tệ quốc tế

15:27' - 01/10/2016
BNEWS Vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng NDT cũng có nghĩa đồng tiền này sẽ trở thành đồng tiền đầu tiên của một nền kinh tế mới nổi có thể được sử dụng tự do trong các giao dịch quốc tế.
Việc đồng NDT gia nhập SDR được coi là dấu mốc lịch sử đối với Trung Quốc và hệ thống tiền tệ quốc tế. Ảnh: reuters

Ngày 30/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã ban hành giỏ các đồng tiền dự trữ quốc tế (được gọi là Quyền rút vốn đặc biệt - SDR) mới, bao gồm đồng Nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, xem đây là dấu mốc lịch sử đối với Trung Quốc, IMF và cả hệ thống tiền tệ quốc tế.

Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử, giỏ SDR được mở rộng và kể từ ngày 1/10, đồng NDT được cộng đồng quốc tế coi như một đồng tiền có thể sử dụng tự do, gia nhập giỏ SDR cùng với đồng USD, euro, bảng Anh và yen Nhật.

Bà cũng cho rằng việc đưa NDT vào giỏ SDR là một bước tiến quan trọng đối với Trung Quốc trong việc hội nhập vào hệ thống tài chính và tiền tệ quốc tế, phản ánh những cải cách trong hệ thống tiền tệ, giao dịch ngoại tệ và tài chính của nước này, và là một sự ghi nhận đối với những kết quả đã đạt được trong việc tự do hóa và cải thiện cơ sở hạ tầng các thị trường tài chính của Trung Quốc.

Giám đốc điều hành phụ trách Trung Quốc của IMF, Jin Zhongxia, đánh giá đó là điểm khởi đầu mới cho những cải cách kinh tế và sự phát triển của Trung Quốc, và Trung Quốc sẽ tiếp tục các cải cách tài chính sau khi đồng NDT chính thức được đưa vào giỏ SDR.

Theo các chuyên gia, vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng NDT cũng có nghĩa đồng tiền này sẽ trở thành đồng tiền đầu tiên của một nền kinh tế mới nổi có thể được sử dụng tự do trong các giao dịch quốc tế trong IMF để vay và cho vay, và đây là một dấu hiệu rất quan trọng cho thấy thế giới thừa nhận một vai trò lớn hơn của các thị trường mới nổi, không chỉ là về thương mại mà còn về tài chính.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cùng ngày đã cam kết sẽ tiếp tục thúc đẩy các cải cách tài chính và mở cửa thị trường sau khi đồng NDT gia nhập SDR.

PBoC hoan nghênh động thái trên của IMF, cho rằng điều này sẽ nâng cao vị thế, khả năng và sức hấp dẫn của SDR, trong khi thúc đẩy quá trình cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế.

Theo PBoC, việc đưa NDT vào SDR là một dấu mốc trong quá trình quốc tế hóa đồng tiền này và là sự ghi nhận sự tiến bộ của Trung Quốc trong phát triển kinh tế cũng như những cải cách tài chính và mở cửa thị trường.

SDR là một tài sản dự trữ quốc tế được IMF tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho dự trữ chính thức của các nước thành viên.

Để góp phần ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tài chính, IMF cấp các khoản vay dưới hình thức SDR cho các nước thành viên.

Tháng 11 năm ngoái, IMF đã quyết định đưa đồng NDT trở thành đồng tiền thứ năm trong giỏ SDR kể từ ngày 1/10/2016.

Hội đồng điều hành của IMF đã ấn định tỷ trọng của NDT trong SDR là 10,92%, so với 41,73% của đồng USD và 8,33% của đồng yen.

Tỷ lệ này sẽ được duy trì trong 5 năm tới, cho đến lần đánh giá tiếp theo về SDR.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục