Khu vực Đông Nam Á cần chung tay chống lại tình trạng biến đổi khí hậu

14:43' - 04/04/2017
BNEWS Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu đã khiến cho các quốc gia Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như cuộc sống của người dân.
Các quốc gia Đông Nam Á cần chung tay chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Ảnh: Shutterstock.com

Xung quanh vấn đề này, báo “Bưu điện Jakarta” số ra mới đây có đăng bài phân tích của tác giả Laurence Delina với tựa đề: “Đông Nam Á bị ảnh hưởng nặng nề do biến đổi khí hậu”.  

Đầu năm nay, những cơn mưa nặng hạt sau nhiều tháng hạn hán đã khiến nhiều khu vực ở miền Nam Thái Lan và khu vực giáp biên giới Malaysia bị ngập úng nặng nề. Mưa lớn cũng đã làm ngập nhiều thành phố thuộc đảo Mindanao ở Philippines. 

Nếu các quốc gia Đông Nam Á không bắt đầu hành động ngay từ bây giờ sẽ khiến cho khu vực này vốn đã dễ bị tổn thương bởi tình trạng biến đổi khí hậu, chịu ảnh hưởng nặng nề và rất khó khắc phục khi phải hứng chịu các hiện tượng thời tiết kỳ lạ. 

Tác động gây ra bởi biến đổi khí hậu không chỉ dừng lại ở những trận mưa lớn, con người cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sóng nhiệt, hạn hán kéo dài và tình trạng nước biển dâng cao sẽ nhấn chìm các thành phố, làng mạc ven biển.

Mặc dù giải pháp chuẩn bị và ứng phó thiên tai cấp quốc gia là rất quan trọng, nhưng các quốc gia Đông Nam Á cần huy động các chính quyền địa phương đóng góp công sức của mình để ứng phó vấn đề này nhằm giảm bớt gánh nặng cho chính quyền trung ương liên quan đến tác động của biến đổi khí hậu.

Tính bền vững của môi trường phụ thuộc rất lớn vào những hành động của chính quyền địa phương. Do đó, tất cả các thôn làng, thành phố và các tỉnh cần được trang bị năng lực thể chế để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ để bảo vệ môi trường.

Bằng cách bắt đầu lên kế hoạch và đầu tư cho việc bảo vệ và phục hồi của môi trường địa phương ngay từ lúc này và bằng cách kết hợp các sáng kiến với các đơn vị địa phương khác nhằm giảm bớt sự tác động của biến đổi khí hậu đối với khu vực Đông Nam Á.

Tăng cường các thỏa thuận, sự liên kết, hợp tác đối với các chính quyền địa phương đòi hỏi phải có cách tiếp cận, tăng cường đầu tư của chính phủ nhằm bảo vệ, phục hồi môi trường địa phương.

Việc tiếp cận danh mục đầu tư đòi hỏi phải đặt ra các dự báo về khí hậu, môi trường và các kế hoạch hành động nhằm bảo vệ môi trường một cách lâu dài.

Điều này cũng đòi hỏi phải có các biện pháp kịp thời để phục hồi môi trường ở địa phương, giám sát, kiểm tra các hoạt động này một cách hiệu quả, liên tục cập nhật các thông tin về những rủi ro do biến đổi khí hậu, các hành động ứng phó của địa phương.

Phương pháp tiếp cận danh mục đầu tư đòi hỏi các chính quyền địa phương tập trung đầu tư vào các giải pháp chống suy thoái một cách đồng bộ, quyết liệt, tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng của mọi tầng lớp nhân dân.

Điều này bao gồm: Tăng cường xây dựng các quy định về bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng, phục hồi các diện tích đất bị hoang hóa, tích cực xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ việc nuôi trồng phát triển kinh tế. Việc này phải được làm đồng bộ, liên kết giữa các thôn làng cũng như các thành phố, các tỉnh với nhau.

Nhiều nền kinh tế sẽ thiệt hại nặng nề do biến đổi khí hậu. Ảnh: The Spectacles

Việc xây dựng các chương trình, kế hoạch hành động từ cấp cơ sở chính là chìa khóa để xác định trách nhiệm và nghĩa vụ của từng địa phương nhằm bảo vệ và tôn tạo môi trường của quốc gia. Chính quyền địa phương thấy được nghĩa vụ cũng như những quyền lợi liên quan trực tiếp trong việc bảo vệ và phát triển môi trường bền vững. 

Để đạt được điều này, khâu chuẩn bị trong việc tích hợp và kết nối giữa các địa phương với nhau và với chính quyền trung ương là rất quan trọng. Đặc biệt là khi xảy ra trường hợp đột xuất, khẩn cấp cần huy động lực lượng để sơ tán người và cơ sở vật chất khi có vấn đề về thiên tai, dịch bệnh.

Phương pháp tiếp cận xuyên biên giới đối với kế hoạch bảo vệ và phục hồi môi trường cũng bao gồm chiến lược để tìm ra sự liên kết giữa năng lượng, nước, giao thông, viễn thông, vệ sinh, sức khoẻ, thực phẩm và các hệ thống an toàn công cộng ở khắp các địa phương.

Một khía cạnh quan trọng của kế hoạch này là việc ứng phó đối với tình trạng ngập lụt hoặc hạn chế những tác động của dòng lũ ở lưu vực các con sông lớn đối với các cộng đồng dân cư.

Một bước tiến quan trọng trong cách tiếp cận danh mục đầu tư đối với khả năng phục hồi khí hậu là xem nó như là một nỗ lực của nhiều người tham gia. Điều này có nghĩa là không chỉ các quan chức chính quyền mà còn huy động cả sức lực của người dân tham gia vào chương trình này.

Các nhà hoạch định chính sách địa phương phải làm việc cùng với những nhà quản lý cơ sở hạ tầng, các nhà lập kế hoạch cũng như các nhóm công dân để cùng nhau thực hiện một cách đồng bộ.

Với sự nỗ lực của nhiều người tham gia chương trình này sẽ tạo ra một phong trào, nâng cao sự hiểu biết cũng như ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường, kịp thời ứng phó khi đối mặt với các thảm họa xảy ra.

Nói tóm lại, để chương trình bảo vệ môi trường được thành công thì những người tham gia cần phải làm việc cùng nhau để tìm hiểu về các rủi ro khí hậu tại địa phương, cần phải nhìn nhận vấn đề này là việc cấp bách, ưu tiên hàng đầu trong việc thực hiện nhằm góp phần phát triển bền vững.

Chính quyền địa phương có thể đảm nhận vai trò điều phối và là người hỗ trợ để thực hiện điều này. Việc cùng nhau thảo luận, bàn bạc tìm ra phương án tối ưu giữa các cơ quan ban ngành cũng như với người dân sẽ góp phần tích cực trong việc bảo vệ và phục hồi môi trường địa phương.

Các cuộc thảo luận đem lại những hiểu biết đa dạng về vấn đề môi trường, đồng thời cũng có tác dụng kích thích người dân tham gia vào chương trình này. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và trung ương cần tích cực tuyên truyền quảng bá việc bảo vệ môi trường, phát huy tiềm năng của rừng để người dân có ý thức trong việc bảo vệ môi trường cũng như tích cực tham gia vào các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương, bám đất, bám làng và có thể làm giầu từ địa phương.

Trong bối cảnh môi trường thế giới và khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề do ý thức của con người cũng như việc phát triển nóng ở nhiều quốc gia đã khiến cho thế giới đang phải đối mặt với những thảm họa môi trường xảy ra liên tiếp với mức tàn phá ngày càng gia tăng.

Khu vực Đông Nam Á là một trong những nơi dễ bị tổn  thương và ảnh hưởng nặng nề nhất do tác động của biến đổi khí hậu và điều này cần phải được cảnh tỉnh đối với các chính phủ cũng như toàn thể mọi người dân để họ kịp thời có các biện pháp ứng phó trước khi quá muộn.

Chính quyền và người dân các quốc gia khu vực Đông Nam Á cần phải nhận thức đúng đắn vấn đề này và cùng nhau phối hợp hành động nhằm giảm thiểu, ngăn chặn tình trạng biến đối khí hậu, góp phần phát triển bền vững tạo dựng cuộc sống ổn định, hạnh phúc cho người dân ở khu vực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục