Kiều hối sẽ đổ mạnh về các nước có thu nhập thấp và trung bình

11:09' - 04/10/2017
BNEWS Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định rằng, kiều hối- nguồn thu chính cho các nước nghèo nhất thế giới- có thể sẽ tăng trưởng trở lại trong năm nay.

Trong báo cáo hàng quý vừa được công bố ngày 3/10, WB cho biết nguồn kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình trong năm 2017 sẽ tăng 4,8% lên 450 tỷ USD.

Thể chế tài chính trên nhận định việc kinh tế ở Nga, châu Âu và Mỹ tăng trưởng, sẽ thúc đẩy lượng kiều hối chuyển về khu vực châu Phi, châu Âu, Trung Á, Mỹ Latinh và Caribe tăng.

Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về khu vực Đông Á và Đông Nam Á lại giảm vì các nước vùng Vịnh - nguồn kiều hối truyền thống chính của khu vực này- đang phải thắt chặt chi tiêu do giá dầu giảm, gây ảnh hưởng đến việc tuyển dụng lao động nước ngoài.

Giới chuyên gia WB coi kiều hối là "phao cứu sinh" cho các nước đang phát triển, đặc biệt là sau khi các nước này phải hứng chịu các thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, phí chuyển kiều hối hiện vẫn ở mức cao, theo đó, nếu chuyển 200 USD về quê nhà sẽ mất phí trung bình 7,2%, cao hơn mục tiêu phát triển bền vững đặt ra là 3%. Do đó, WB kêu gọi các nước cắt giảm chi phí chuyển kiều hối.

Hiện Ấn Độ sẽ là nước có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất trong năm 2017, với 65 tỷ USD, sau đó là Trung Quốc (61 tỷ USD), Philippines với 33 tỷ USD.

Trong khi đó, lượng kiều hối chuyển về Mexico sẽ đạt mức kỷ lục là 31 tỷ USD. WB dự báo lượng kiều hối chuyển về các nước có thu nhập thấp và trung bình sẽ tăng 3,5% trong năm 2018. WB dự báo lượng kiều hối ở khu vực Nam Á sẽ tăng 2,6% trong năm 2018, đạt 114 tỷ USD, trong đó Ấn Độ dự kiến tăng 2,8%.

Tuy vậy, WB cho rằng mức tăng trưởng kiều hối ở khu vực Nam Á sẽ khiêm tốn, ở mức 1,1%, đạt 112 tỷ USD trong năm nay do tác động của giá dầu thấp và các chính sách "quốc hữu hóa" dẫn tới việc các điều kiện thị trường lao động ở các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) gặp khó khăn.

Luồng kiều hối đổ về Pakistan dự kiến không tăng trong năm nay trong khi Sri Lanka, Bangladesh và Nepal sẽ giảm.

>>>WB: Chính sách hạn chế nhập cư của Mỹ sẽ làm giảm lượng kiều hối đổ về Mỹ Latinh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục