Kinh tế Đức có đủ sức chống chọi với những bất ổn chính trị?

18:18' - 21/11/2017
BNEWS Nền kinh tế hùng mạnh của Đức có thể vượt qua những hậu quả trước mắt từ sự thất bại của Thủ tướng Angela Merkel trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh
Kinh tế Đức có đủ sức chống chọi với những bất ổn chính trị trước mắt? Ảnh: EPA

Giới chuyên gia cho rằng nền kinh tế hùng mạnh của Đức có thể vượt qua những hậu quả trước mắt từ sự thất bại của Thủ tướng Angela Merkel trong các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh, song cảnh báo rằng sự tê liệt chính trị kéo dài có thể làm trì hoãn các cải cách cần thiết và đe dọa tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Những nỗ lực thành lập chính phủ liên minh giữa liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) với đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh sụp đổ đã khiến cho cường quốc kinh tế của châu Âu chìm trong bất ổn và gia tăng khả năng diễn ra các cuộc bầu cử đột xuất.

Tuy nhiên, ông Marcel Fratzscher, Chủ tịch Viện nghiên cứu kinh tế DIW, cho rằng sự thất bại của các cuộc đàm phán nói trên không đến mức bất ngờ như thế, khi ba đảng vẫn còn những tranh cãi liên quan đến các vấn đề quan trọng như di cư, khí hậu và những cải cách ở Khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone).

Chuyên gia Carsten Brzeski của Ngân hàng ING Diba nhận định rằng các cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh thất bại dù có thể sẽ không ảnh hưởng đến kinh tế Đức trong ngắn hạn, nhưng sẽ đe dọa nền kinh tế đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU) trong tương lai.

Đây cũng là quan điểm của hội đồng tư vấn kinh tế Đức khi hội đồng này trước đó đã hối thúc chính quyền mới gấp rút hành động để bảo vệ nền kinh tế, thông qua việc giảm gánh nặng thuế và cắt giảm các thủ tục hành chính rườm rà.

Nền kinh tế Đức đang chứng kiến khoảng thời gian tăng trưởng khởi sắc, nhờ nhu cầu mạnh mẽ ở cả trong và ngoài nước, thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục và lãi suất thấp.

Berlin hồi tháng trước đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế từ 1,5% lên đến 2% trong năm 2017, khi các cuộc thăm dò gần đây về lòng tin của người tiêu dùng và giới doanh nghiệp càng củng cố thêm bức tranh lạc quan của nền kinh tế Đức.

Tuy nhiên, giới chuyên gia lâu nay vẫn cảnh báo rằng đà tăng trưởng nói trên chỉ có thể duy trì nếu chính phủ thực hiện nhiều biện pháp nhằm hiện đại hóa quốc gia với dân số đang già hóa nhanh và cơ sở hạ tầng cũ kỹ này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục