Kinh tế Mỹ đi về đâu với “Tổng thống-Doanh nhân” Donald Trump

19:42' - 14/11/2016
BNEWS Một sự thật không ai có thể phủ nhận đó là Donald Trump là hiện thân cho tài năng và sự thành công trong kinh doanh.
Kinh tế Mỹ đi về đâu với “Tổng thống-Doanh nhân” Donald Trump. Ảnh minh họa: TTXVN

Lịch sử 240 năm của nước Mỹ ngày 8/11/2016 đã bước sang một trang mới sau khi ông Donald Trump trở thành doanh nhân đầu tiên được bầu làm Tổng thống. Ứng cử viên của đảng Cộng hòa này đã làm bẽ bàng mọi dự đoán, vượt qua mọi rào cản và “ngược dòng” giành chiến thắng thuyết phục trước chính trị gia lão luyện Hillary Clinton của đảng Dân chủ để ngồi vào chiếc ghế chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng.

Chiến thắng lịch sử! Chiến thắng lịch sử! Và Chiến thắng lịch sử là những từ được nhắc tới nhiều nhất sau đêm 8/11 tại Mỹ.

Trước thềm cuộc bầu cử, có lẽ những người lạc quan nhất cũng không tin vào kịch bản tỷ phú Donald Trump sẽ đánh bại cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton để kế nhiệm Tổng thống Barack Obama bởi ông Trump không phải là chính khách chuyên nghiệp, chưa bao giờ ứng cử hay làm việc trong chính quyền, không có kinh nghiệm ngoại giao, an ninh-quốc phòng.

Đơn giản ông chỉ là người làm kinh doanh thuần túy, lại thường có những phát ngôn kiểu “coi trời bằng vung”, bị cáo buộc xúc phạm phụ nữ, bỗ bã tấn công các đối thủ cùng đảng hay bất cứ ai có quan điểm chống lại ông, và rất rất nhiều điểm yếu khác.

Tuy nhiên, một sự thật không ai có thể phủ nhận đó là Donald Trump là hiện thân cho tài năng và sự thành công trong kinh doanh. Khởi nghiệp trong ngành bất động sản với vỏn vẹn 200.000 USD hồi cuối những năm 60 của thế kỷ trước, sau hơn 5 thập kỷ nỗ lực không ngừng nghỉ, tỷ phú Trump đang là một trong những người giàu có và nổi tiếng nhất tại Mỹ.

Càng bị công kích và dèm pha, tỷ phú Donald Trump càng thành công. Hiện ông sở hữu hàng trăm dự án đầu tư bất động sản, sân golf và ngân hàng trên khắp nước Mỹ với khối tài sản lên tới hơn 7 tỷ USD (theo số liệu năm 2015 của Forbes).

Tỷ phú Donald Trump quyết định tranh cử tổng thống lần thứ 2 vào năm 2016 đúng thời điểm người dân Mỹ, cử tri Mỹ đang khát khao một sự đổi thay toàn diện. Sau 8 năm cầm quyền của một chính phủ Dân chủ, nền kinh tế Mỹ vẫn vận hành như một cỗ xe thiếu nhiên liệu – chậm chạp và ì ạch. Tăng trưởng kinh tế không đạt trên 3% như kỳ vọng, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức 5%, tăng trưởng việc làm chậm lại và nợ công thì cao kỷ lục.

Với con mắt tinh đời, ông Trump đã nhìn thấy mong muốn có một làn gió mới, một sự khởi sắc ở những công nhân vệ sinh làm việc bán thời gian với mức lương 10-12 USD/giờ, của những công chức văn phòng làm việc 8 tiếng/ngày với thu nhập 15 USD/giờ. Đó là một trong những nguyên nhân chính mang lại chiến thắng vang dội cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm nay.

Tuy nhiên, sau những giờ phút hân hoan ăn mừng chiến thắng, những cử tri đã trao tấm vé chuyến tàu đến Nhà Trắng cho ông Trump chắc hẳn sẽ hồi hộp chờ đợi xem liệu một doanh nhân thành đạt có thể truyền cảm hứng cho nền kinh tế lớn nhất thế giới hay không và “con thuyền kinh tế Mỹ” liệu có vượt qua sóng gió để tiến lên phía trước trong 4 năm tới.

Liệu “Kế hoạch Kinh tế Trump” (Trumponomics) có hủy hoại nước Mỹ?

Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” trong chiến dịch tranh cử. Tuy nhiên, không ít chuyên gia cho rằng các quan điểm chính sách kinh tế của ông Trump nhiều khả năng sẽ “Đưa nước Mỹ suy thoái trở lại”.

Rắc rối đầu tiên là kế hoạch trục xuất 11 triệu lao động nhập cư trái phép. Theo các chuyên gia thuộc tổ chức tư vấn Quĩ Hành động Mỹ (AAF), nền kinh tế số 1 thế giới sẽ “mất đứt” 2% tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nếu như kế hoạch này được thực thi. Việc đột ngột thiếu hụt hàng triệu lao động có thể sẽ gây ra “các cơn địa chấn tức thời” đối với hàng nghìn doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp trong những khu vực then chốt như xây dựng, dịch vụ và GDP của Mỹ có thể thiệt hại từ 400-600 tỷ USD.

Ý tưởng “vô tiền khoáng hậu” xây dựng bức tường chạy dọc biên giới phía Nam giáp Mexico sẽ khiến Mỹ thiệt hại thêm hàng tỷ USD nữa.

Kinh tế Mỹ sẽ thăng hoa. Ảnh minh họa: TTXVN

Tuy nhiên, “tử huyệt” trong kế hoạch kinh tế của ông Trump đó là chủ trương cắt giảm thuế đối với người giàu và doanh nghiệp. Trung tâm Chính sách Thuế của Mỹ nhận định kế hoạch này có thể khiến thu nhập liên bang thâm hụt gần 10.000 tỷ USD trong vòng 1 thập kỷ tới.

Cùng với đề xuất tăng kinh phí dành cho các chương trình an sinh xã hội và hỗ trợ cựu chiến binh, kế hoạch thuế của Tổng thống đắc cử Trump trong một thời gian ngắn sẽ khiến thâm hụt ngân sách đạt mức cao kỷ lục kể từ sau Chiến tranh Thế giới Thứ 2.

Ngoài ra, quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với các thỏa thuận thương mại tự do song phương và đa phương cũng đe dọa khiến kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Mỹ bị thiệt hại nặng nề. Ông Mark Zandi, Trưởng kinh tế gia của Moody’s Analytics, nhận định sẽ có “Brexit phiên bản Mỹ” và việc cử tri Mỹ bầu ông Trump làm tổng thống giống như cuộc bỏ phiếu của cử tri Anh ủng hộ rút nước này khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Bên cạnh đó, tư tưởng “dân tộc chủ nghĩa” cứng rắn trong lĩnh vực kinh tế của ông Trump có thể là “kẻ thù” của hoạt động thương mại đa phương của nước này, khiến các nền kinh tế khác buộc phải áp dụng những biện pháp đối phó hoặc trả đũa. Trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, rõ ràng đường lối kinh tế đó của Tổng thống đắc cử Trump sẽ khiến chính nền kinh tế Mỹ bị thiệt hại và cô lập.

Nếu các quan điểm chính sách kinh tế được ông Trump công bố trong chiến dịch tranh cử trở thành hiện thực, kinh tế Mỹ có thể sẽ đối mặt với nhiều bất ổn và nguy cơ một cuộc suy thoái lớn nhất trong lịch sử.

Hay kinh tế Mỹ sẽ thăng hoa?

Tám năm dưới thời Tổng thống Barack Obama, nhiều khu vực kinh tế của Mỹ dường như bị bỏ rơi. Ông Obama bị cho là đã lạm dụng việc phân bổ ngân sách liên bang cho các chương trình an sinh xã hội và chăm sóc y tế, trong đó có Obamacare.

Điều này sẽ chấm dứt một khi ông Donald Trump bước vào Nhà Trắng. Một trong những kế hoạch đầu tiên được ông Trump nhắc tới trong bài diễn văn mừng chiến thắng đêm 8/11 đó là tái thiết cơ sở hạ tầng quốc gia. Với kế hoạch này, có thể hình dung diện mạo nước Mỹ sẽ có nhiều khởi sắc với hàng loạt tuyến đường cao tốc, các cây cầu, sân bay, trường học và bệnh viện được xây mới.

Dưới sự lãnh đạo của ông Trump, kinh tế Mỹ cũng sẽ tạo ra một số lượng lớn lao động trong lĩnh vực sản xuất-chế tạo, xây dựng, giao thông vận tải và viễn thông. Ngoài tăng chi tiêu cho tái thiết cơ sở hạ tầng, các chính sách kinh tế của ông cũng sẽ tập trung vào thu hẹp thâm hụt thương mại.

Việc ông tuyên bố sẽ dỡ bỏ mọi rào cản đối với khu vực năng lượng sẽ báo hiệu một giai đoạn thăng hoa chưa từng có đối với ngành sản xuất dầu khí, khai thác đá phiến và đi kèm với đó là cú huých tích cực đối với thị trường việc làm.

“Con thuyền kinh tế Mỹ” sẽ đi về đâu dưới sự chèo lái của vị “tân thuyền trưởng” vẫn là một câu hỏi lớn. Tuy nhiên, sau 8 năm kinh tế tăng trưởng nhạt nhòa và ảm đạm, cử tri Mỹ đang háo hức chờ đợi làn gió mới lạ mang tên Donald Trump. Và có lẽ ông Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay và đi vào lịch sử bởi ông có thể mang tới hy vọng cho người dân Mỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục