Kinh tế Nhật Bản chật vật sau suy thoái kỹ thuật

11:47' - 19/12/2015
BNEWS Số liệu tăng trưởng GDP của kinh tế Nhật Bản trong quý III/2015 là tin không vui đối với Thủ tướng Shinzo Abe, khi ông vừa tuyên bố đặt trọng tâm ưu tiên của chính phủ vào phục hồi kinh tế.

Tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản trong quý III/2015 giảm 0,8%, tức là giảm thêm 0,2 điểm phần trăm so với mức giảm 0,6% của quý trước. Theo lý thuyết, một nền kinh tế suy giảm trong hai quý liên tiếp tức là đã rơi vào suy thoái. 

Số liệu tăng trưởng GDP của kinh tế Nhật Bản trong quý III/2015 là tin không vui đối với Thủ tướng Shinzo Abe. Ảnh: wsj.com

Tác động từ bên ngoài

Nguyên nhân quan trọng nhất khiến kinh tế Nhật Bản tiếp tục suy giảm trong quý III/2015 là do đầu tư của doanh nghiệp giảm mạnh hơn so với dự đoán, giảm tới 1,3% so với quý trước.

Hoạt động đầu tư của doanh nghiệp vốn được đánh giá là yếu tố chủ chốt để thúc đẩy nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi diễn biến ảm đạm, hầu hết các doanh nghiệp vẫn thận trọng với hoạt động đầu tư.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu hàng đầu như Toyota Motor vẫn nói rằng họ cần phải xác định lại xem tình hình đã thực sự được cải thiện hay chưa.

Những lo ngại trên đã phản ánh rõ thực tế kinh tế Nhật Bản vẫn còn ẩn chứa nhiều yếu tố rủi ro khiến cho các doanh nghiệp vẫn trong tâm lý đề phòng.

Nhằm hạn chế bớt các tác động kinh tế ngoại lai, doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã cân nhắc đến yếu tố đầu tư trong nước tuy nhiên thực tế cho thấy nhu cầu trong nước không đủ mạnh để cân đối với sự sụt giảm ở nước ngoài.

Các công ty Nhật sẽ tiếp tục hạn chế đầu tư khi nhu cầu trên thế giới đối với hàng hoá Nhật Bản vẫn chưa có dấu hiệu ổn định.

Các doanh nghiệp Nhật Bản, trong đó có Toyota, tỏ ra thận trọng với hoạt động đầu tư. Ảnh: japantimes.co.jp

Một điểm yếu nữa của Nhật Bản là sức mạnh tài chính. Tình hình tài chính của nước này hiện bị đánh giá là yếu nhất trong số các nước công nghiệp phát triển (G-7) với nợ công lên tới trên 200% GDP.

Yếu tố thứ ba là độ tin tưởng của thị trường với các chính sách thúc đẩy kinh tế của Thủ tướng Abe, vốn thường được gọi là Abenomics.

Trước đó, hồi đầu năm, chỉ số Nikkei tăng lên trên mức 20.000 điểm, lần đầu tiên trong vòng 15 năm qua, do giới đầu tư kỳ vọng vào hiệu quả của Abenomics.

Thời điểm đó, giới đầu tư nước ngoài đã mua tới hơn 20.000 tỷ yen (166 tỷ USD) các loại cổ phiếu Nhật Bản, nhiều hơn mức họ bán ra trong giai đoạn từ tháng 11/2012 đến tháng 7/2015.

Nhưng rồi chính các nhà đầu tư này lại trở thành những người bán ra các chứng khoán Nhật Bản với số tiền lên tới gần 4.000 tỷ yen kể từ tháng 8/2015.

Một câu hỏi nổi lên là phải chăng các nhà đầu tư bán cổ phiếu Nhật Bản vì họ bắt đầu nghi ngờ khả năng vực dậy nền kinh tế của chính phủ, cho dù có bao nhiêu "mũi tên" được xác định trong Abenomics đi chăng nữa.

Chính sách nới lỏng tiền tệ Kuroda Bazooka

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda đã nhiều lần kêu gọi doanh nghiệp tranh thủ tăng đầu tư khi lãi suất vẫn còn thấp.

Theo BoJ, các công ty Nhật Bản hiện giữ tổng cộng hơn 200.000 tỷ yen tiền mặt và gửi ngân hàng, mức cao kỷ lục. Giải ngân số tiền này sẽ giúp cho kinh tế Nhật Bản có một cú hích đáng kể.

Tuy nhiên, chỉ số lòng tin kinh doanh Tankan do BoJ thực hiện điều tra trong tháng 9/2015 cho thấy, lòng tin của nhóm các doanh nghiệp chế tạo lớn giảm mạnh hơn so với dự đoán.

Kết quả này đang gây sức ép đối với BoJ trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh tay hơn, được gọi là Kuroda Bazooka, biện pháp chính đã hỗ trợ đồng yen giảm giá, giúp cho xuất khẩu Nhật Bản cải thiện đáng kể trong thời gian qua.

BoJ chịu sức ép trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Ảnh: japantimes.co.jp

Sau khi các số liệu ảm đạm trong quý III/2015 được công bố, Thủ tướng Abe đã chỉ thị các bộ và cơ quan chính phủ đến cuối tháng 11/2015 phải hoàn tất ngân sách bổ sung cho tài khoá 2015 kết thúc vào ngày 31/3/2016.

Với tư cách là biện pháp khẩn cấp, chính phủ đưa ra chương trình ngân sách bổ sung khoảng 3.500 tỷ yen (28,5 tỷ USD), nhiều hơn ngân sách bổ sung của năm 2014 (3.120 tỷ yen). Thủ tướng Abe đã nói rõ gói ngân sách bổ sung là một phần trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Chính phủ cam kết sẽ giảm thuế doanh nghiệp từ mức 35% hiện nay xuống còn 33% trong tài khoá tới và nếu có thể, sẽ tiếp tục giảm xuống dưới 30%.

Điều mà giới doanh nghiệp cần là chính phủ sớm làm rõ lộ trình giảm thuế, cả ở cấp trung ương lẫn địa phương.

Hồi phục trong suy thoái

Cho dù bị xếp vào diện suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm, nhưng không thể phủ nhận nền kinh tế Nhật Bản đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua.

Chỉ số lòng tin kinh doanh Tankan hồi tháng 9/2015 cho thấy các doanh nghiệp lớn của tất cả các ngành kinh tế đều có kế hoạch tăng chi tiêu cho đầu tư với mức trung bình là 10,9%, tăng 1,5 điểm phần trăm so với kết quả điều tra của tháng 6/2015.

Một số chỉ số tích cực trong quý III như hoạt động sản xuất và đơn đặt hàng máy móc tăng, xuất khẩu tăng 2,6%, đầu tư nhà cửa tăng trong quý thứ ba liên tiếp.

Đáng chú ý là thặng dư tài khoản vãng lai của nước này trong 6 tháng đầu tài khóa 2015 (từ tháng 4-9) đã tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất kể từ 6 tháng đầu tài khóa 2010.

khách du lịch đang đổ xô đến Nhật Bản trong thời điểm đồng yen xuống giá. Ảnh: japandailypress.com

Lợi nhuận của các doanh nghiệp bán hàng tại Nhật Bản tăng trong 7 tháng liên tục, chủ yếu nhờ sức mua của khách du lịch đang đổ xô đến Nhật Bản trong thời điểm đồng yen xuống giá.

Ngoài ra, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa mới được hoàn tất đàm phán là một động lực tinh thần quan trọng cho doanh nghiệp Nhật Bản. Các quan chức chính phủ thậm chí đã khẳng định TPP là quân át chủ bài của Abenomics.

Đó là những lý do để tin tưởng vào một sự đảo chiều tích cực của kinh tế Nhật Bản trong quý cuối cùng năm 2015./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục