Kinh tế Việt Nam đang vượt "sóng"

05:46' - 08/07/2016
BNEWS Đi qua nửa chặng đường của năm 2016, kinh tế trong nước liên tiếp đối đầu với những thách thức từ cả trong nước và thế giới.
Kinh tế trong nước liên tiếp đối đầu với những thách thức từ cả trong nước và thế giới. Ảnh: Thanh Vũ–TTXVN

Số liệu kinh tế 6 tháng đầu năm do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, kinh tế Việt Nam đang nỗ lực vượt qua những thách thức mới do biến động khách quan của tình hình kinh tế thế giới, cũng như những khó khăn nội tại.

Với tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm nay ước tăng 5,52% so với cùng kỳ năm trước thì 6 tháng cuối năm, GDP phải đạt mức tăng trưởng 7,6% để GDP cả năm 2016 đạt mục tiêu tăng 6,7% như Quốc hội đề ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhìn nhận đây là mức tăng trưởng cao nhất trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn như hiện nay.

Như vậy, ngay năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2016-2015, kinh tế Việt Nam đã có sự khởi đầu đầy thử thách, khó khăn nhiều hơn thuận lợi.

Tuy nhiên, điểm sáng lại chính là một loạt giải pháp, quyết tâm của Chính phủ trong việc kiên quyết thay đổi cơ chế và cách quản lý theo hướng tạo thuận lợi cao nhất cho doanh nghiệp, cho hoạt động sản xuất kinh doanh; hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng phù hợp cam kết hội nhập cũng như tình hình mới của đất nước.

Đó thực sự là điểm mấu chốt, thể hiện quyết tâm của cả hệ thống chính trị hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Liên tiếp đối đầu với những con sóng

Đi qua nửa chặng đường của năm 2016, kinh tế trong nước liên tiếp đối đầu với những thách thức từ cả trong nước và thế giới.

Trong nước, các đợt rét đậm, rét hại xảy ra đầu năm, tình hình xâm nhập mặn diễn biến phức tạp ở Đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán tại các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, sự cố môi trường tại 4 tỉnh Bắc Trung bộ đã ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân...

Trên thế giới, kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi chậm và chứa đựng nhiều rủi ro.

Trong khi đó, sự giảm giá của hàng hóa thế giới, đặc biệt là giá dầu giảm sâu và tăng trưởng thương mại toàn cầu giảm cùng với biến động khó lường của thị trường tài chính, tiền tệ đã tác động đến kinh tế Việt Nam, nhất là hoạt động xuất khẩu và thu ngân sách nhà nước, và mới đây là diễn biễn Brexit cũng đang dự báo đặt ra những biến động và thách thức mới cho kinh tế toàn cầu.

Năm 2016 cũng là năm Việt Nam hội nhập sâu hơn với với các hiệp định song phương và đa phương, đây là những hiệp định mở ra cơ hội, song cũng đặt ra yêu cầu đổi mới thể chế kinh tế và nâng cao sức cạnh tranh của cả nền kinh tế và từng doanh nghiệp...

Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, thiên tai, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp (chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực 1) giảm 0,78%.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm đã nhìn nhận, đây là lần đầu tiên khu vực này giảm tăng trưởng sau nhiều năm là điểm tựa cho tăng trưởng, ngay cả trong những năm suy giảm kinh tế khó khăn nhất.

Khu vực công nghiệp và xây dựng mặc dù tăng 6,82%, nhưng ở mức thấp hơn nhiều so với mức tăng 9,66% của cùng kỳ năm trước, chủ yếu do ngành khai khoáng giảm 2,2%. Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp Phạm Đình Thúy, đây là dấu hiệu không tốt cho nền kinh tế.

Mặt khác, quá trình khai thác của ngành này còn khó khăn và giá dầu thế giới cũng giảm làm cho nguồn thu của nguồn khai khoáng, đặc biệt là dầu thô ngày càng giảm theo.

Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tiếp tục xu hướng tăng kể từ tháng 2/2016. Theo đó, CPI bình quân 6 tháng đầu năm tăng 1,72% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái do việc điều chỉnh tăng giá xăng dầu, lương cơ sở cũng như giá thực phẩm, gas và giá điện sinh hoạt tăng (do nhu cầu tiêu dùng tăng vào mùa hè).

Hoạt động xuất khẩu ghi nhận khó khăn ngay trong tháng 2 khi giảm gần 23% so với tháng trước và các tháng tiếp theo cũng tăng trưởng chậm so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại trừ yếu tố giá (giá xuất khẩu bình quân giảm 3,85%), kim ngạch hàng hóa xuất khẩu 6 tháng đạt 85,5 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Điểm sáng dẫn dắt tăng trưởng

Tuy nhiên, kinh tế 6 tháng vẫn có những điểm sáng có khả năng dẫn dắt tăng trưởng kinh tế trong cả năm. Trước hết phải kể tới hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài (FDI). Theo Tổng cục Thống kê, tính đến 20/6/2016, cả nước đã có 1.145 dự án mới được cấp phép, tăng 51,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng ước tính đạt 7,3 tỷ USD. Ảnh minh họa: TTXVN

Đồng thời cả nước có 535 lượt dự án tăng vốn đầu tư. Tính chung, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt trên 11.284 triệu USD, tăng 105,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn FDI thực hiện trong 6 tháng ước tính đạt 7,3 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm 2015.

Việc cả vốn FDI đăng ký và giải ngân tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái cho thấy môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo được niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài.   

Bên cạnh đó, với một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và các nước được ký kết và sắp có hiệu lực, đặc biệt có Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ giúp Việt Nam thu hút vốn FDI thuận lợi hơn.

Điểm nhấn đáng chú ý đóng góp chung cho GDP 6 tháng đầu năm 2016 là khu vực dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao nhất kể từ năm 2012 đến nay; trong đó, một số ngành tăng khá so với cùng kỳ năm trước như bán buôn, bán lẻ, tài chính ngân hàng, bảo hiểm xã hội, thông tin và truyền thông tăng từ 6 – 9%. Đặc biệt, hoạt động kinh doanh bất động sản đạt mức tăng 3,77% là mức cao nhất kể từ năm 2011 đến nay.

Số lượng các doanh nghiệp đang quay trở lại hoạt động trong 6 tháng đầu năm với trên 14.900 doanh nghiệp, tăng 75,2% so với cùng kỳ năm trước cũng cho thấy môi trường kinh doanh đang dần ổn định.

Xem thêm:

>> Vào cuộc trên tư duy phục vụ

>>Giải pháp "đúp" cho tăng trưởng kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục