Vào cuộc trên tư duy phục vụ

06:45' - 08/07/2016
BNEWS Để các chính sách không nằm trên giấy tạo ra lực đỡ cho kinh tế cần có sự vào cuộc thực sự, trách nhiệm và tận tâm trên tư duy phục vụ của các bộ ngành và chính quyền địa phương.
Triển vọng kinh tế cả năm 2016 còn nhiều vấn đề đáng lưu tâm.Ảnh minh họa: HNX

Mặc dù kết quả kinh tế 6 tháng đầu năm cho thấy tín hiệu khả quan nhưng những đánh giá từ các bộ, ngành, chuyên gia về triển vọng kinh tế cả năm 2016 không phải không đáng lưu tâm bởi lẽ đây là chặng đường đầu tiên cho kế hoạch giai đoạn 2016-2020.

Trong khi các nghị quyết còn mới bước đầu triển khai để đi vào cuộc sống, thì ngay tại thời điểm này, khi nửa chặng đường đầu tiên của kế hoạch 5 năm, 2016-2020 đã đi qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương phải tìm mọi cách, năng động, sáng tạo, điều hành quyết liệt theo chức năng nhiệm vụ thực hiện mục tiêu kế hoạch năm Quốc hội đặt ra.

Theo đó, để kiểm soát lạm phát trong giới hạn 4-5%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu công tác dự báo, phân tích phải nhanh nhạy hơn, việc phối hợp liên ngành và phối hợp chính sách tài khóa, tiền tệ phải nhịp nhàng, chặt chẽ hơn để giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều hành, kiểm soát lạm phát trong giới hạn mà Quốc hội cho phép (dưới 5%).

Với lo ngại về bội chi ngân sách sẽ có ảnh hưởng lớn tới điều hành kinh tế vi mô, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội cho rằng, cần có những giải pháp mạnh mẽ nhằm giảm chi thường xuyên để giảm bội chi ngân sách.

Đi kèm với những giải pháp cắt giảm chi ngân sách, Chính phủ cần có chiến lược tổng thể và hữu hiệu để cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ.

Tổng cục Thống kê đề nghị Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ngành, địa phương cần triển khai các giải pháp để ngành nông lâm nghiệp và thủy sản khắc phục những khó khăn, có mức tăng trưởng khá trong những tháng cuối năm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cần được thúc đẩy để tăng trưởng cao hơn. Ảnh: VinEco

Các cấp các ngành tiếp tục triển khai nghiêm túc những giải pháp, chính sách hỗ trợ các vùng thiên tai bị hạn hán, xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường đã được Chính phủ quyết định.

Bên cạnh đó, cần làm rõ nguyên nhân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng thấp, từ đó có giải pháp khắc phục, thúc đẩy sản xuất. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như ngành du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính ngân hàng…

Cùng với đó, các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư, đầu tư công theo kế hoạch của năm 2016 về vốn FDI, vốn ODA để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tổng cục Thống kê cũng cho rằng các bộ, ngành ở Trung ương và địa phương thiện tổng thể Đề án tái cơ cấu nến kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế giai đoạn 2013 – 2020 theo đúng tinh thần Quyết định số 339 ngày 19/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016, các Nghị quyết 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/NQ-CP được ban hành trong các tháng 4 và 5 của năm nay được xem là những giải pháp đồng bộ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 và cả giai đoạn 2016-2020.

Tuy nhiên, để các chính sách không nằm trên giấy, theo các chuyên gia cần có sự vào cuộc thực sự, trách nhiệm và tận tâm trên tư duy phục vụ của các bộ ngành và chính quyền địa phương.

Đây cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp. “Làm sao đừng để tình trạng “đánh trống, bỏ dùi” hoặc “trên bảo dưới không nghe” thì chắc chắn tinh thần ấy, Nghị quyết ấy sẽ đi vào đời sống” như tâm sự của ông Đặng Ngọc Thanh, Phó Tổng giám đốc Công ty đầu tư Tài chính Nhà nước Tp. Hồ Chí Minh gửi gắm./.

Xem thêm:

>> Kinh tế Việt Nam đang vượt "sóng"

>> Giải pháp "đúp" cho tăng trưởng kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục