Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Duy trì tốc độ tăng trưởng để tạo sự ổn định

19:49' - 25/05/2017
BNEWS Mục tiêu tăng trưởng chỉ có thể đạt được nếu dựa vào tăng vốn đầu tư và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, Hòa Bình, Quảng Nam, Vĩnh Long thảo luận ở tổ. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Tiếp tục chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 3, chiều 25/5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015.

Đánh giá thêm về tác động từ sự cố môi trường do Formosa gây ra

Góp ý vào đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, các đại biểu đều chung nhìn nhận, trong số 13 chỉ tiêu Quốc hội giao có 11 chỉ tiêu đạt và vượt, 2 chỉ tiêu xấp xỉ đạt kế hoạch, chỉ tiêu quan trọng nhất là GDP chỉ đạt 6,21% thấp hơn so với kế hoạch đề ra là 6,7%. Song, đây không phải là vấn đề quá phải sốt sắng để cần đẩy nhanh.

Lý giải điều này, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng chỉ tiêu về thất nghiệp chỉ là 3,18% (thấp hơn kế hoạch đặt ra là 4%), chỉ số CPI chỉ là 4,74% so với kế hoạch (5%) chứng tỏ mặt bằng đời sống, kinh tế tương đối ổn định, kết quả mang lại của chỉ số GDP 6,21% đã ảnh hưởng thực trong đời sống, hay nói cách khác, tăng trưởng không nhanh về tốc độ nhưng là tăng trưởng bền vững và chất lượng tăng trưởng tốt.

Phân tích nguyên nhân GDP không đạt mục tiêu đề ra, mặc dù Chính phủ đặt ra quyết tâm rất cao, đại biểu cho rằng nguyên nhân căn bản đó là vì thay đổi trạng thái mô hình tăng trưởng. Trước đây, mô hình tăng trưởng dựa vào hai trụ cột chính là đầu tư vào vốn và đầu tư vào khai thác các nguồn tài nguyên - mô hình của bẫy thu nhập trung bình. Đến nay, hai trụ cột này đều dừng lại, không tăng trưởng về vốn vì ảnh hưởng của trần nợ công, khai thác khoáng sản giảm vì giá dầu mỏ xuống thấp, vì vậy, GDP không thể tăng.

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), năm 2016 nổi lên yếu tố điểm sáng là tiếp tục duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát, tỷ giá, lãi suất ổn định, giữ được những nền tảng cân đối lớn của nền kinh tế, cán cân vãng lai cũng thặng dư.

Theo đại biểu, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP trong năm 2016 là tác động môi trường từ sự cố Formosa Hà Tĩnh, ảnh hưởng đến đa lĩnh vực: thủy sản, du lịch, công nghiệp.

“Từ nguyên nhân này nó cảnh báo chúng ta từ năm 2017 đừng để xảy ra nguyên nhân này vì nó tác động trực tiếp đến sự tăng trưởng của GDP. Yếu tố môi trường vẫn là yếu tố Chính phủ cần đánh giá một cách nghiêm túc trong báo cáo, số liệu phải đầy đủ hơn”, đại biểu Ngân nói.

Cũng như vậy, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) nhìn nhận, năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra ở 4 tỉnh miền Trung với mức độ thiệt hại chưa từng có, trong khi báo cáo của Chính phủ mới chỉ nói đến các biện pháp hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn cho người dân.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình Đinh Tiến Dũng phát biểu ý kiến. Ảnh: Nguyễn Dân -TTXVN

Thực tế Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong tìm nguyên nhân, dự phòng các trường hợp không xảy ra tiếp hay trong việc bồi thường hỗ trợ. “Với tầm mức thiệt hại đã gây ra thì nó xứng đáng được quan tâm hơn trong báo cáo”, đại biểu cho hay, đồng thời chỉ ra rằng trong báo cáo 4 tháng năm 2017 cũng không hề đề cập đến vấn đề này.

“Đây là vấn đề lâu dài, nếu chúng ta không nhìn đúng tầm mức quan trọng, không đầu tư thì có thể trong tương lai còn lặp lại”, đại biểu nhìn nhận.

Ấn tượng với những kết quả đạt được trong năm 2016, đại biểu Nguyễn Văn Giàu (An Giang) cho rằng cán cân thương mại diễn biến tốt, xuất siêu năm 2016 ổn định. Khi cán cân thương mại thặng dư, xuất siêu giúp ổn định cán cân thanh toán tổng thể, ổn định tỷ giá, tác động tốt đến kinh tế vĩ mô.

Đồng tình với nhận định của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 có nhiều chuyển biến tích cực song đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng) băn khoăn trong năm 2016 có 110.100 doanh nghiệp mới thành lập và con số này của những tháng đầu năm 2017 là 39.580, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể 4.067 tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể hiện nay cũng còn khá cao, 27.400 doanh nghiệp.

Giữ mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7%

Nhìn về mục tiêu phấn đấu GDP năm 2017 đạt 6,7%, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng khó đạt được. Mục tiêu này chỉ có thể đạt được nếu dựa vào tăng vốn đầu tư và khai thác các nguồn tài nguyên khoáng sản.

Song, hai giải pháp này là thiếu khả thi vì vốn đầu tư không thể tăng, chỉ còn con đường đẩy mạnh khai thác, tăng sản lượng dầu khí. Tăng sản lượng khai thác dầu khí là một giải pháp tốt nhưng phải ở quy mô công suất phù hợp, tránh tăng chi phí khai thác để đảm bảo hiệu quả đạt được. Giải pháp này cần cân nhắc ở con số hợp lý.

Đại biểu Cường cũng cho rằng, các giải pháp khác Chính phủ đặt ra như xử lý nợ xấu, thúc đẩy cho tăng trưởng tín dụng, tăng dòng vốn đầu tư cho xã hội; tiếp tục cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, xử lý 12 dự án nghìn tỷ bị thua lỗ hay hình thành các quỹ đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp là phù hợp.

Về dài hạn, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét nhìn lại vấn đề trần nợ công và chính sách huy động đầu tư công. Trong ngắn hạn, không nên chạy theo mô hình tăng trưởng nhanh, nên duy trì tốc độ tăng trưởng hiện tại để tạo sự ổn định, tái cơ cấu lại kinh tế, tìm ra các cơ chế quản lý phù hợp, từ đó tăng huy động đầu tư, thậm chí phải đẩy mạnh đầu tư công hơn nữa, kiến nghị tăng trần nợ công.

Có cái nhìn lạc quan hơn, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, mặc dù GDP quý I/2017 chỉ đạt 5,1%, thấp nhất trong 4 năm qua nhưng có cơ sở để phấn đấu đạt mục tiêu 6,7%. Bởi tiềm năng cho sự phát triển kinh tế những tháng cuối năm là có và có khả năng khai thác được.

Tiềm năng mà đại biểu kể đến, đó là kinh tế tư nhân với ba động lực có thể hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển, đó là Nghị quyết Trung ương 5 khóa (XII), Nghị quyết 35 của Chính phủ và tới đây là Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Nghị quyết Trung ương 5 đã khẳng định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của sự phát triển kinh tế, Nghị quyết 35 của Chính phủ sau một năm thực hiện đã thúc đẩy tinh thần doanh nhân khởi nghiệp, vươn lên đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế. Những trụ cột quan trọng này sẽ tạo động lực hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển. Khi động lực kinh tế tư nhân được đầu tư phát triển đúng mức, được sự hỗ trợ sẽ có điều kiện đóng góp vào tăng trưởng GDP.

“Động lực này đang chiếm 42% GDP, riêng Thành phố Hồ Chí Minh kinh tế tư nhân chiếm tới 60% đóng góp vào sự tăng trưởng GDP”, đại biểu cho hay.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thanh Quang cho rằng, Chính phủ cần chú ý đến việc tạo động lực cho kinh tế tư nhân phát triển. Thời gian tới, cần nhanh chóng triển khai tốt 3 Nghị quyết được ban hành tại Hội nghị Trung ương 5: hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) nhìn nhận điều quan trọng nhất là khâu tổ chức quản lý điều hành. Để đảm bảo thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,7%, ba quý còn lại phải đạt trên 7%, điều này đòi hỏi Chính phủ phải kiên quyết điều hành, tăng cường kiểm tra, tăng cường đánh giá và đặc biệt là phải rõ được trách nhiệm của người đứng đầu.

Trong khi đó, theo đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh), Chính phủ cần thực hiện chính sách tài khóa tiền tệ chặt chẽ để hỗ trợ sản xuất kinh doanh phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước, giữ mức nợ công không vượt quá giới hạn cho phép; đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư theo kế hoạch, sớm phân bổ vốn đầu tư năm 2017; đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước; có giải pháp giải quyết dứt điểm các dự án thua lỗ kéo dài; chấn chỉnh tuyển dụng cán bộ công chức không đúng quy định…

Thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2015, các đại biểu đánh giá, Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, điều hành chi ngân sách nhà nước theo dự toán được giao, tiết kiệm chi thường xuyên, quản lý chi đầu tư theo quy định Luật Đầu tư công, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, nâng cao kỷ luật tài chính, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán giao.

Cùng với đó, chi ngân sách nhà nước ngày càng chặt chẽ, bám sát Nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp… Song, các ý kiến còn băn khoăn khi thất thu ngân sách nhà nước vẫn xảy ra, việc quản lý hóa đơn gần như bị buông lỏng, rất nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ nhất là dịch vụ lưu trú, dịch vụ ăn uống không sử dụng hoá đơn đỏ… Kinh doanh ngầm, giao dịch ngầm không đánh thuế, hầu hết mua bán bất động sản, các giao dịch lớn thực hiện bằng tiền mặt, không kiểm soát được.

Ghi nhận những giải pháp của Chính phủ, song đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) cho rằng, công tác thu chi ngân sách nhà nước năm 2015 vẫn còn những tồn tại, hạn chế bất cập. Đó là, một số khoản thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán được giao, nguồn thu chưa thực sự ổn định, công tác thu thuế còn hạn chế.

Đặc biệt, chưa có giải pháp hữu hiệu để hạn chế được thất thu thuế, nợ đọng thuế còn lớn. Ngoài ra, chi ngân sách nhà nước, trong đó chi thường xuyên vẫn còn hạn chế, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích. Một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán, còn xảy ra thất thoát trong chi đầu tư xây dựng cơ bản…

Đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định 4 tháng đầu năm 2017, lần đầu tiên thặng dư ngân sách nhưng nội tại nền kinh tế chưa bền vững lâu dài. Chính phủ cần có giải pháp tăng cường kỷ cương ngân sách, chống thất thu, tăng hiệu quả đầu tư công.

Đề cập cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Thanh Quang đề nghị, để chống thất thu, cần có giải pháp cho cơ sở dịch vụ có doanh thu phải kê khai đủ, người dân khi giao dịch phải lấy hoá đơn./.

>> Phát huy tối đa mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục