Phát huy tối đa mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP

19:24' - 25/05/2017
BNEWS Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, Chính phủ cần tạo môi trường thông thoáng hơn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Chiều 25/5, tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, các đại biểu đã thảo luận tại tổ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017. Hầu hết, các ý kiến đều cho rằng, cần phát huy tối đa mọi nguồn lực để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP là 6,7%.

Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế trong nước

Đại biểu Phạm Phú Quốc (đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: TTXVN.

Tôi dự đoán tăng trưởng GDP khả năng sẽ đạt ở mức 6,3%. Để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng bền vững, Chính phủ cần tạo môi trường thông thoáng hơn để kêu gọi đầu tư; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển.

Tôi cho rằng, nền kinh tế độc lập ít phụ thuộc vào tài nguyên khai khoáng và ít phụ thuộc vào một số nền kinh lớn. Theo đó, chúng ta cần phát triển đồng bộ các thành phần kinh tế trong nước bao gồm kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân.

Bên cạnh đó, cần tập trung huy động nguồn lực đầu tư trong nước thay vì đi vay nước ngoài. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết cũng như chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, phát triển các thành phần kinh tế. Vấn đề còn lại là cần hành động cụ thể. Theo đó, phải cùng với các tập đoàn kinh tế, không phân biệt là Nhà nước hay tư nhân (nếu doanh nghiệp có đủ điều kiện) tăng thêm nguồn lực để phát triển.

Các tập đoàn kinh tế này sẽ dẫn dắt nền kinh tế và từ đó mới tăng được chất lượng giá trị dịch vụ, đảm bảo uy tín hàng Việt Nam chất lượng cao và cũng khẳng định uy tín thương hiệu của Việt Nam trên thị trường thế giới.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay hầu hết khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có hỗ trợ nhưng cộng đồng doanh nghiệp kinh tế trong nước vẫn rất cần các tập đoàn kinh tế lớn dẫn dắt. Khi cả cộng đồng kinh tế phát triển thì ngân sách quốc gia có điều kiện để tăng thu.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng Chính phủ cũng từng khẳng định nước ta cần hình thành Trung tâm tài chính kinh tế. Theo tôi, Chính phủ nên nhận nhiệm vụ này, nếu giao cho các địa phương thì nguồn lực khó thực hiện để hình thành trung tâm kinh tế đúng nghĩa và các trung tâm tài chính ở địa phương nằm trong Trung tâm này tạo lành mạnh hóa tài chính góp phần tạo điều kiện cho kinh tế phát triển.

Đại biểu Cao Đình Thường (đoàn Phú Thọ): Cần giải pháp đồng bộ

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, quý I tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,1%, thấp hơn cùng kỳ. Câu hỏi đặt ra là theo báo cáo của Chính phủ cho rằng kinh tế phục hồi, vậy thì tại sao GDP lại thấp hơn 2016. Trong khi đó, theo một số chuyên gia, nếu GDP những tháng đầu năm mà dưới 5% thì khả năng GDP cuối năm chỉ đạt dưới 6,3%. Do đó, để đạt mục tiêu 6,7% như Chính phủ đề ra là rất khó.

Nhưng vấn đề đáng chú ý là mặc dù Chính phủ đã chỉ đạo rốt ráo trong công tác cán bộ; quyết tâm tạo ra phong trào khởi nghiệp là điểm sáng để kinh tế phát triển. Tuy nhiên, đất nước còn bộn bề những khó khăn cần vượt qua. Trong khi đó, tái cơ cấu nền kinh tế chưa có bước chuyển biến rõ, nợ công cao, nợ xấu nhiều… làm cử tri rất lo lắng.

Theo tôi, tăng trưởng kinh tế chỉ có quyết tâm chính trị là chưa đủ mà phải có những giải pháp thực chất và có quyết tâm. Thời gian tới Chính phủ cần phải có những giải pháp đồng bộ, đặc biệt là chấn chỉnh những vấn đề trong đầu tư công, tránh tình trạng đầu tư dài trải gây thất thoát ngân sách. Đồng thời, tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ.

Đối với nợ xấu, sau khi có Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu, thì Chính phủ phải có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Tp. Hồ Chí Minh): Nâng cao nền kinh tế độc lập tự chủ

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Hoa/TTXVN

“Chính phủ phấn đấu đạt mục tiêu 6,7% và chúng ta có cơ sở để phấn đấu. Đó là tiêu dùng của Nhà nước và của nhân dân tăng, tích lũy tài sản tăng. Đây là hai yếu tố góp phần tăng trưởng tăng.

Tôi cho rằng, chỉ có yếu tố xuất nhập khẩu giảm là do nhập siêu và đây cũng là cảnh báo. Nếu chúng ta dựa nhiều vào các tập đoàn lớn của nước ngoài, khi các tập đoàn này có rủi ro sẽ làm cho tác động ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, tác động đến GDP. Cho nên, tôi đồng tình với việc nâng cao nền kinh tế độc lập tự chủ và đặc biệt là kinh tế tư nhân.

Họp tổ đoàn đại biểu Tp Hồ Chí Minh. Ảnh: Thuý Hiền/BNEWS/TTXVN

Chúng ta còn nhiều tiềm năng và có khả năng khai thác được tiềm năng này đó là phát triển kinh tế tư nhân. Đặc biệt, vừa qua, có ba động lực để kinh tế tư nhân phát triển, cụ thể là Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân một lần nữa đặt kinh tế tư nhân là động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế.

Tiếp đến là Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 cũng vừa tổng kết 1 năm tinh thần thực hiện Nghị quyết này.

Chúng ta cũng thấy tinh thần khởi nghiệp của các doanh nghiệp, sức vươn lên đóng góp cho sự tăng trưởng. Hơn nữa, Quốc hội đã thảo luận về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tất cả những yếu tố này đều là động lực cho phát triển kinh tế tư nhân. Rõ ràng, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới ngày càng tăng và sự đóng góp của khu vực này đang chiếm 42% GDP của cả nước./.

>> Tập trung giải quyết nợ xấu, góp phần đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục