Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Cân nhắc quy định về đặt cược thể thao

18:36' - 15/11/2017
BNEWS Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 15/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: TTXVN

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội thể hiện nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Thể dục, thể thao năm 2006; bổ sung những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn; thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh xã hội hóa trong lĩnh vực thể thao, tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thể dục, thể thao phát triển trong thời gian tới.

Các ý kiến tán thành dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung một số nội dung nhằm khuyến khích, thúc đẩy xã hội hóa hoạt động thể dục thể thao; khắc phục những vướng mắc, bất cập, những vấn đề mới phát sinh trong hoạt động thể dục thể thao; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong quản lý các hoạt động thể thao...

*Quan tâm giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường

Giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường là bộ phận quan trọng của phong trào thể dục thể thao nhằm bảo đảm mục tiêu nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực, tầm vóc và kỹ năng vận động cơ bản, góp phần hình thành nhân cách và giáo dục toàn diện về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh, sinh viên, đồng thời góp phần phát hiện năng khiếu, đào tạo tài năng thể thao cho đất nước.

Tuy nhiên, qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng công tác giáo dục thể chất trong trường học chưa được quan tâm đúng mức.

Hệ thống các cơ sở, sân bãi phục vụ giáo dục thể chất và thể thao trường học còn thiếu thốn, lạc hậu, không chỉ trong các trường phổ thông mà cả trong khối các trường đại học và chuyên nghiệp.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường, đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định về: trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đối với giáo dục thể chất và thể dục thể thao trong nhà trường để từng bước chuẩn hóa cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên thể dục thể thao (Khoản 2 Điều 21); trách nhiệm của các cơ sở thể thao công lập trong việc phối hợp với các cơ sở giáo dục sử dụng các công trình thể thao phục vụ giáo dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường (Khoản 5 Điều 21); trách nhiệm của nhà trường trong việc tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường (Khoản 2a Điều 25).

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung các quy định tại các Điều 21, 25 như trên chưa tạo được nền tảng cho thể thao trong nhà trường phát triển; giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường khó có thể đảm bảo mục tiêu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông Ka H'Hoa phát biểu ý kiến. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Đại biểu Ka H'Hoa (Đắc Nông), Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) và nhiều ý kiến đề nghị cơ quan trình dự án Luật bổ sung báo cáo đánh giá tác động đối với quy định "Nhà trường có trách nhiệm tổ chức mỗi năm ít nhất một cuộc thi đấu thể thao toàn trường” để đảm bảo tính khả thi.

Theo đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu), những trường ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số rất khó khăn về nguồn lực và kinh phí.

Thực tế hiện nay còn nhiều trường thầy, cô giáo phải dạy kiêm nhiệm mà chưa có giáo viên chuyên môn về thể dục, thể thao, do vậy, việc tập luyện cho

các em để thi đấu là rất khó khăn.

*Hỗ trợ vận động viên, huấn luyện viên nữ

Thảo luận về quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao (khoản 7 và 8 Điều 1 dự thảo Luật; sửa đổi, bổ sung Điều 32, 33 Luật Thể dục, thể thao năm 2006) đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung chính sách ưu đãi, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của vận động viên như quy định tại điểm i khoản 1 Điều 32; thiết kế điều luật theo hướng tách quyền và nghĩa vụ của vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao (Điều 32, Điều 33); bổ sung chính sách hỗ trợ cho vận động viên, huấn luyện viên là nữ, là người khuyết tật; bổ sung đối tượng vận động viên đội tuyển cấp tỉnh cũng được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại điểm i khoản 1 Điều 32.

Nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đề nghị quan tâm tới vấn đề lồng ghép giới trong dự thảo Luật. Theo đại biểu Dương Tấn Quân, hiện vấn đề này chưa được quan tâm đúng mức, chưa có điều khoản đặc thù đối với các vận động viên nữ.

Đại biểu nêu thực tế một vận động viên muốn đạt được thành tích cao trong các giải đấu quốc gia, trong khu vực hay giải thế giới, ngoài năng khiếu, họ phải tập luyện rất nặng nhọc và kéo dài nhiều năm mới đạt được.

Đối với các vận động viên nam, việc này tương đối thuận lợi, còn đối với các vận động viên nữ khó khăn gấp nhiều lần.

Khi so sánh giữa vận động viên nam và vận động viên nữ hiện nay, vận động viên nữ còn thiệt thòi rất nhiều từ mức lương, mức tiền thưởng chênh lệch rất xa so với vận động viên nam, chưa kể có khi họ phải hy sinh cả tuổi trẻ, hạnh phúc của bản thân, phải vượt qua những rào cản từ gia đình, bạn bè để theo đuổi đam mê và mang vinh quang về cho đất nước.

Do đó, đại biểu đề nghị ngoài những chính sách chung cho các vận động viên, dự thảo luật cần phải lồng ghép thể hiện rõ tính chất bình đẳng giới trong thể thao, không chỉ bình đẳng giới về mức chi trả lương, tiền thưởng mà cần có thêm chế độ phụ cấp, trợ cấp trong quá trình tập luyện, thi đấu hay là những chính sách ưu tiên trong bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nâng cao, tập huấn ở nước ngoài... đối với huấn luyện viên nữ và vận động viên nữ thành tích cao, đội tuyển quốc gia.

*Cân nhắc quy định về đặt cược thể thao

Đặt cược thể thao là một nội dung được nhiều đại biểu quan tâm có ý kiến tại phiên thảo luận.

Một số ý kiến cho rằng, mặc dù đặt cược thể thao là nhu cầu thực tiễn, có thể huy động được nguồn vốn đầu tư lớn cho lĩnh vực thể dục, thể thao nhưng đây là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, cần phải có báo cáo đánh giá tác động cụ thể.

Trong khi đó, Chính phủ mới ban hành Nghị định số 06 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế nên cần có thời gian thực hiện, tổng kết, đánh giá trước khi quy định vào Luật. Vì vậy, chưa nên quy định về đặt cược thể thao trong dự thảo này.

Theo đại biểu Ngàn Phương Loan (Lạng Sơn), hoạt động đặt cược là vấn đề nhạy cảm và phức tạp được quy định trong danh mục mặt hàng kinh doanh có điều kiện.

Tính tới thời điểm này, Nghị định 06 mới được áp dụng chưa lâu và việc đặt cược mới chỉ được cho phép thí điểm đối với 3 hoạt động thể thao (đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế).

Do đó, đại biểu nêu quan điểm để có đánh giá chính xác về tác động của hoạt động này, cần có thời gian để sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định 06, rút kinh nghiệm trước khi bổ sung nội dung cho phép đặt cược thể thao vào dự thảo Luật.

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung đặt cược thể thao trong dự thảo Luật. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, hiện nay vấn đề này đã được Chính phủ cho phép mặc dù mới chỉ giới hạn ở một số môn nhất định.

"Chúng ta quy định trong Luật nhưng nên giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ sẽ quyết định danh mục các hoạt động thể dục thể thao được phép đặc cược"- đại biểu Việt Nga đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằn,g đừng để vấn đề đặt cược thể thao trong luật thì cấm nhưng thực tế xảy ra lén lút hoặc thậm chí bùng nổ.

Đại biểu tin rằng nếu có luật, nếu tổ chức tốt sẽ hạn chế được mặt trái, mang lại nhiều lợi ích cho đất nước, xã hội về thuế, tạo điều kiện cho nhân dân thỏa mãn được thú vui, nhất là quản lý được vấn đề nhiều thập kỷ qua cấm nhưng vẫn xảy ra rất nhức nhối.

"Tôi nghĩ Quốc hội cũng cần là Quốc hội kiến tạo trong xây dựng luật, tạo điều kiện cho Chính phủ kiến tạo trong thi hành luật", đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.

Giải trình vấn đề này trước các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu rà soát để trình Chính phủ xem xét trên nguyên tắc thận trọng phù hợp với khả năng quản lý, điều hành, giám sát của Bộ./.

Xem thêm:

>>>Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV: Minh bạch trong thực thi pháp luật về cạnh tranh

>>>Bên lề kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV: Luật Cạnh tranh cần quy định cụ thể hơn nữa

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục