Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: Phân định rõ quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp

15:06' - 28/05/2018
BNEWS Sáng 28/5, Quốc hội thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Tình trạng chậm thực hiện tách chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước với chức năng quản lý nhà nước của các bộ; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với doanh nghiệp kém hiệu quả dẫn đến vi phạm trong quản lý sử dụng vốn tài sản nhà nước tại doanh nghiệp... là những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội đặt ra tại phiên thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 sáng 28/5.

Một số ý kiến cho rằng, nhiều bộ, ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là "sân sau".

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Dương Giang - TTXVN

Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước "vừa đá bóng, vừa thổi còi".

Các đại biểu phân tích, từ góc độ của đại diện chủ sở hữu, phần lớn các doanh nghiệp vẫn có tổ chủ quản hoặc chính quyền cấp tỉnh chủ quản.

Các cơ quan quản lý nhà nước cùng lúc thực hiện hai chức năng nên dễ gây xung đột lợi ích trong việc ban hành chính sách với chỉ đạo thực hiện và kiểm tra giám sát.

Cách thức thực hiện giám sát, đánh giá hiện chủ yếu căn cứ vào các báo cáo của doanh nghiệp nhà nước mang tính thống kê hơn là báo cáo tình hình thực hiện mục tiêu của chủ sở hữu.

Việc giám sát, đánh giá chủ sở hữu cũng căn cứ vào kết quả thực hiện so với kết quả do doanh nghiệp nhà nước tự xây dựng và đăng ký, nên đánh giá chưa rõ được yêu cầu, đòi hỏi của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp.

Giải trình về vấn đề quản lý, quyền sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ rõ, quá trình này chia làm 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 (từ năm 2011-2012), việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước, quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp được thực hiện theo Luật Doanh nghiệp nhà nước năm 2003, Luật Doanh nghiệp năm 2005 và một số văn bản dưới luật.

Vì thế, việc thực hiện giám sát hiệu quả tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước, đại diện phần vốn chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước đối với doanh nghiệp thực tế thuộc Bộ Tài chính.

Giai đoạn 2 (từ năm 2013 – 2016) có thay đổi trong thể chế: Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp, một số văn bản khác đã quy định cụ thể vấn đề quản lý đối với doanh nghiệp nhà nước, thực hiện chức năng chủ sở hữu doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh giải trình làm rõ vấn đề Đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Phương Hoa - TTXVN

Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước trong đó có các doanh nghiệp của ngành Công Thương đã góp phần đảm bảo mục tiêu, nhiệm vụ chính trị được phân công.

Nhất trí với Báo cáo giám sát của Quốc hội, người đứng đầu ngành Công Thương cho rằng, việc quản lý vốn nhà nước, người đại diện sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn nhiều tồn tại, yếu kém trong đó có cả yếu tố khách quan và chủ quan.

Theo Bộ trưởng, thể chế, quy phạm pháp luật liên tục được cải tiến, bổ sung từ thực tiễn, hàng loạt văn bản luật và dưới luật còn xung đột, thậm chí khoảng trống dẫn đến hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thời gian qua còn nhiều khó khăn, bất cập.

Ngoài ra, có sự chồng chéo giữa chức năng quản lý nhà nước với vai trò quản trị doanh nghiệp khiến hoạt động của các doanh nghiệp thiếu sự tự chủ, đội ngũ quản trị doanh nghiệp né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Việc này cũng dẫn đến tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì hàng loạt chủ trương lớn trong phát triển lĩnh vực kinh tế ngành, quy hoạch, chiến lược được nghiên cứu, xây dựng bởi chính doanh nghiệp nhà nước, rồi lại được thẩm định, phê duyệt bởi cơ quan quản lý nhà nước làm cho chất lượng đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả, thua lỗ, lãng phí.

Bên cạnh đó, với cơ chế quản lý chồng lấn nên có tình trạng cố tình làm sai, vi phạm trong việc thực hiện các dự án đầu tư.

Điển hình trong 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả thời gian qua mà ngành Công Thương đã báo cáo với Quốc hội có nhiều dự án phản ánh đúng tình trạng quản lý vốn, quản trị doanh nghiệp.

Không chỉ lãnh đạo các doanh nghiệp này mà cán bộ quản lý bộ, ngành cũng phải chịu trách nhiệm, kể cả trách nhiệm hình sự.

Bày tỏ đồng tình với các giải pháp đã nêu trong Báo cáo Giám sát, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, khung pháp lý cho Ủy ban quản lý vốn nhà nước; xác định nguyên tắc hoạt động là không phải bán đi lĩnh vực kinh doanh hiệu quả của doanh nghiệp để lấy tiền đầu tư vào các lĩnh vực khác mà hiệu quả không cao bằng.

Khi thoái vốn trong một số dự án cần lưu ý hiệu quả nhà nước được đảm bảo cao nhất, nếu giữ phần vốn quá cao sẽ không đảm bảo mục tiêu thoái vốn gắn với phát triển bền vững.

Mặt khác, nếu tiếp tục duy trì vốn nhà nước ở mức tối thiểu sẽ không đảm bảo lợi ích nhà nước nếu nhà đầu tư mới nắm cổ phần chi phối.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để thực hiện chỉ đạo của Nhà nước, đặc biệt hoàn thiện cơ chế quản lý, phân định rạch ròi giữa quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế trong nước, cam kết hội nhập để doanh nghiệp nhà nước, tư nhân khai thác được cơ hội thị trường./.

Xem thêm:

>>>Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV: 4 nhóm vấn đề sẽ được chất vấn và trả lời chất vấn

>>>Nhiều bộ, ngành không muốn rời xa doanh nghiệp “sân sau”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục