Làm gì cho mục tiêu tăng trưởng cuối năm?

14:55' - 01/09/2016
BNEWS Cần bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế theo kế hoạch; giảm lãi suất cho vay, chú trọng nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu một cách thực chất.
Sản xuất công nghiệp trong 8 tháng không như kỳ vọng. Ảnh: TTXVN

Kinh tế Việt Nam đã đi qua gần 2/3 chặng đường trong năm và bắt đầu bước vào những tháng cao điểm, gấp rút để hoàn thành những mục tiêu đề ra từ đầu năm.

Nhìn lại kết quả 8 tháng đầu năm mới thấy hết được những nỗ lực trong quá trình điều hành, thực thi của Chính phủ, các bộ ngành địa phương cũng như doanh nghiệp, để vượt qua muôn vàn khó khăn đã được dự báo trước, và cả những khó khăn phát sinh trong năm.

Sản xuất công nghiệp không như kỳ vọng

Theo Tổng cục Thống kê, nổi bật trong bức tranh kinh tế 8 tháng phải kể đến vẫn là thu hút đầu tư tăng trưởng tích cực nhờ sự cải thiện môi trường kinh doanh, hiệu ứng hội nhập và triển vọng kinh tế vĩ mô tích cực.

Tính đến 20/8/2016, cả nước thu hút 1.619 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 9,795 tỷ USD, tăng 32,8% về số dự án và tăng 24,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh đó, có 770 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm đạt trên 4,57 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn bổ sung trong 8 tháng năm nay đạt trên 14,36 tỷ USD, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện trong 8 tháng đạt 9,8 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong 8 tháng, cả nước có 73.404 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký 567,9 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7% về số doanh nghiệp và tăng 50,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2015.

Một điểm đáng lưu ý là số doanh nghiệp ngừng hoạt động quay trở lại nền kinh tế trong 8 tháng là 18.711 doanh nghiệp, tăng 65,1% so với cùng kỳ năm trước (8 tháng năm 2015 số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động chỉ tăng 3,7% so với cùng kỳ năm 2014).

Mặc dù tháng 8 chỉ số lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng do yếu tố khách quan giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu tăng và yếu tố chủ quan là tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục nhưng tính bình quân 8 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,91%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%).

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng này khá sát với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Đảm bảo tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ cuối tháng 4/2016, các NHTM Nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đồng thời tích cực triển khai các chương trình cho vay với lãi suất ưu đãi.

NHNN tiếp tục yêu cầu các TCTD thực hiện các biện pháp cân đối vốn duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, từ đó hỗ trợ tích cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, trong 8 tháng vẫn có những ngành không đạt như kỳ vọng. Như chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng 6,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng tăng thấp hơn mức tăng 9% của cùng kỳ năm 2015. Chỉ số ngành tăng thấp chủ yếu do ngành khai khoáng vẫn tiếp tục suy giảm, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng thấp hơn cùng kỳ.

Nhưng đáng chú ý, mặc dù chỉ số sản xuất công nghiệp tăng chậm thì chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/8/2016 đã giảm so với cùng thời điểm năm trước từ mức 10,1% xuống mức 8,9%.

Trong đó phải kể đến một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung hoặc giảm là dệt, kim loại; hóa chất và các sản phẩm hóa chất; thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan...

Đối với khu vực dịch vụ, trong 8 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt trên 2.307 nghìn tỷ đồng, tăng 9,3% (thấp hơn mức tăng 10,5% cùng kỳ năm 2015) do tâm lý hạn chế chi tiêu, mua sắm trong tháng “Ngâu”, do ảnh hưởng của mưa bão, lũ quét, sạt lở đất tại khu vực miền núi phía Bắc và miền Trung.

Tuy nhiên, thị trường này bắt đầu sôi động do chuẩn bị tết Trung thu và khai giảng năm học mới.

Không đạt được mức tăng trưởng tốt và thấp xa so với kế hoạch đặt ra 10%, nhưng lĩnh vực xuất nhập khẩu có dấu hiệu khả quan khi cán cân thương mại xuất siêu 2,49 tỷ USD góp phần giảm sức ép lên tỷ giá.

Theo đó, 8 tháng ước tính xuất khẩu đạt 112,19 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước (năm 2015 là 9%); nhập khẩu đạt 109,7 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong xuất khẩu, một số mặt hàng tiếp tục giữ vị trí chủ lực như dệt may, giày dép đạt 24,02 tỷ USD, điện thoại và linh kiện đạt 22,17 tỷ USD, tăng lần lượt 6,1% và 13% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, mặt hàng xuất khẩu vẫn đối mặt khó khăn là dầu thô giảm 46,2% giá trị, cao su giảm 10,4%, sắt thép giảm 3%.

Nông nghiệp cũng là ngành gặp khó khăn kể từ đầu năm đến nay. Đặc biệt, trong tháng 8, các địa phương ở miền Bắc chịu ảnh hưởng liên tiếp của bão số 1, số 2 và số 3, gây mưa lớn, ngập úng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất lúa và hoa màu.

Theo báo cáo sơ bộ, đã có trên 200 nghìn ha lúa và hoa màu ở các tỉnh phía Bắc bị ngập úng; trong đó gần 5 nghìn ha lúa bị mất trắng.

Nhiệm vụ nặng nề

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 8, dựa trên kết quả đã đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, thách thức đối với nhiệm vụ kinh tế xã hội từ nay đến cuối năm là chỉ số tốc độ tăng trưởng GDP mức 6,7% như kế hoạch đề ra.

Các thành viên Chính phủ đã thẳng thắn chỉ ra những yếu tố tác động đó là nợ công cao, xử lý nợ xấu còn chậm; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi thiên tai; xuất khẩu tăng thấp…

Xác định nhiệm vụ còn lại từ nay đến cuối năm 2016 là hết sức nặng nề , Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra yêu cầu bộ máy Chính phủ phải quyết tâm hành động, kiên quyết không lùi bước trước khó khăn thách thức.

Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, điều phối chính sách chung của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải thường xuyên giao ban, làm việc với các Bộ trưởng, trưởng ngành để chủ động có giải pháp phù hợp, kịp thời đối với từng lĩnh vực nhằm thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm sự vận hành đồng bộ, hiệu quả chung của nền kinh tế.

Thủ tướng lưu ý cần bảo đảm tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế theo kế hoạch, tránh dồn vào những tháng cuối năm; thực hiện lộ trình giảm lãi suất cho vay, chú trọng nhiệm vụ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu một cách thực chất.

Quyết liệt chống thất thu, nợ đọng thuế, tăng thu ngân sách Nhà nước ; đánh giá tình hình chuyển giá và có biện pháp xử lý hiệu quả. Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách Nhà nước bảo đảm có tiêu chí, định mức rõ ràng, công khai, minh bạch, khả thi.

Đối với ngành công thương, cần phải thúc đẩy mạnh tăng trưởng công nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm, mở rộng thị trường bảo đảm xuất khẩu đạt kế hoạch đề ra.

Trong lĩnh vực nông nghiệp cần đẩy nhanh tái cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới đồng thời; phối hợp chặt chẽ với các địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thu hút doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất các mặt hàng nông sản có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao …

Đánh giá cao việc các bộ, ngành địa phương đang trăn trở, nỗ lực, tìm tòi và áp dụng những phương pháp, tư duy mới trong chỉ đạo, điều hành ngành, lĩnh vực và địa phương mình, đặc biệt là tư duy lãnh đạo mới của người đứng đầu, tuy nhiên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận đã đến lúc người dân muốn nhìn thấy kết quả cụ thể “nói đi đôi với làm” và làm có kết quả.

Vì vậy “Chúng ta phải quyết tâm cao hơn nữa để cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, xóa bỏ mọi rào cản để tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất kinh doanh làm ăn, phát triển tạo ra việc làm, tăng trưởng”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục